Trước thực trạng ấy, Hội Phụ nữ tỉnh cùng UBND phường Bình Tân đã xây dựng mô hình “Phụ nữ phòng, chống tội phạm mua bán người”. Câu lạc bộ có 6 thành viên phụ trách và 30 hội viên chủ yếu là những gia đình có con gái đang ở độ tuổi mới lớn.
Hàng tháng, câu lạc bộ đều được tổ chức sinh hoạt một lần. Nội dung chủ yếu phổ biến các chủ trương pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm mua bán người, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em và nhất là Luật Phòng chống mua bán người… Thông qua sinh hoạt, các hội viên còn được giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ và thảo luận về các chủ đề về gia đình như nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giới và bình đẳng giới… Chị Đỗ Thị Ngọc Liên, nguyên Hội trưởng phụ nữ phường Bình Tân cho biết: “Để tuyên truyền có tác động lớn đến suy nghĩ và nhận thức của những hộ dân nơi đây, chúng tôi đã vận động một số phụ nữ lấy chồng nước ngoài gặp bất hạnh trở về địa phương đến các buổi sinh hoạt kể chuyện về xứ sở “ước mơ” cho mọi người nghe. Quả thật, không có tác dụng nào hơn thế. Chị H, một người trở về từ Hàn Quốc đã thẳng thắn chia sẻ trong buổi họp mặt như việc: Những người đàn ông ngoại quốc qua đây lấy vợ chủ yếu là gia đình nghèo, sống ở vùng nông thôn chứ ít người có cuộc sống sung túc như trong phim ảnh. Con dâu phải sống chung với đại gia đình chồng, do bất đồng ngôn ngữ nên giao tiếp vô cùng khó khăn, nhiều người thường xuyên bị gia đình chồng bạc đãi. Có người còn bị làm vợ chung của nhiều người đàn ông trong gia đình. Rồi dẫn chứng một số vụ bạo hành dẫn đến người vợ bị giết…
Có thể nhờ đó mà tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài thông qua hình thức mai mối đã giảm hẳn. Nếu như những năm trước đây, số lượng con gái nơi đây lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan phải đến mấy chục người thì trong năm 2015 toàn khu phố không có trường hợp lấy chồng nước ngoài.
Hiệu quả từ mô hình “Phụ nữ phòng, chống tội phạm mua bán người” ở phường Bình Tân mang lại, là nỗ lực rất lớn của các cán bộ hội phụ nữ nơi đây.
Phan Tuyết