Phát huy tiềm năng, cải thiện môi trường đầu tư
Bình Thuận nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, kết nối tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Bình Thuận được đánh giá là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư với những tiềm năng, cơ hội mới. Để tận dụng, tối ưu hóa các tiềm năng phát triển, nhiều năm qua tỉnh đã nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều cải cách hành chính và tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng…
Tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Bình Thuận sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. “Tỉnh sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp…”, Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
Cũng tại lễ công bố trên, nhiều nhà đầu tư đã nhận định về tiềm năng phát triển của tỉnh Bình Thuận. Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án của DKRA chia sẻ: Bình Thuận là một trong những tỉnh có rất nhiều lợi thế. Thứ nhất, Bình Thuận có rất nhiều bãi biển đẹp và đặc biệt là trong thời gian qua về cơ sở hạ tầng đã bắt đầu hoàn thiện, đặc biệt là có cao tốc, đã kết nối thành phố Hồ Chí Minh và các vùng Đông Nam bộ cũng như là trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam, cùng với đó là sân bay Long Thành đang triển khai rầm rộ. Chính vì vậy, Bình Thuận có rất nhiều lợi thế lớn để thu hút được khách du lịch cũng như các nhà đầu tư đến đây để tìm hiểu và đầu tư vào bất động sản cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, việc công bố quy hoạch của tỉnh Bình Thuận sẽ đưa ra một định hướng rõ ràng hơn với các nhà đầu tư, qua đó nhà đầu tư sẽ xác định rõ những giá trị cũng như là nhu cầu đầu tư, họ sẽ mạnh dạn đầu tư khi mà có chính sách rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề pháp lý các doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm. “Đối với doanh nghiệp, hiện tại chúng tôi cũng đang cố gắng tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Bình Thuận và đặc biệt là vấn đề bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch ở Bình Thuận,” ông Thắng cho biết.
Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Novaland thì cho rằng: “Doanh nghiệp chúng tôi triển khai Đô thị kinh tế du lịch biển và giải trí NovaWorld Phan Thiết từ năm 2019 và kỳ vọng đây sẽ là điểm đến mới hàng đầu không chỉ tại Việt Nam mà còn là điểm sáng trên bản đồ du lịch khu vực với lợi thế cạnh tranh là các tiện ích mới, các điểm vui chơi giải trí độc đáo, mới lạ. Chúng tôi sẽ nỗ lực đồng hành cùng đề án phát triển kinh tế đêm của tỉnh Bình Thuận với sự có mặt đầy đủ các hoạt động thương mại và dịch vụ, văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch vào ban đêm; qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng, tiếp tục tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương và các khu vực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Không chỉ du lịch, bất động sản nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghiệp... cũng là những lĩnh vực được các nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng phát triển tại Bình Thuận.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Sài Gòn chia sẻ: Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng về sân bay, cảng biển, đường cao tốc và những điều kiện đó đã hội tụ lại để tạo cho Bình Thuận một động lực lớn để phát triển. “Bình Thuận cũng xác định tiềm năng về ba trụ cột chính là phát triển về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, riêng về Tổng công ty Becamex IDC là đơn vị có kinh nghiệm phát triển về lĩnh vực công nghiệp đô thị, dịch vụ, vừa qua Tổng công ty cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 tại Bình Thuận với diện tích là 468 ha. Đó là giai đoạn đầu để Tổng công ty Becamex phát triển và đầu tư thật mạnh mẽ tại Bình Thuận với toàn bộ dự án là Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Hàm Tân La Gi. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới mọi việc sẽ được triển khai. Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp là nhà đầu tư một cách thuận lợi giống như thời gian vừa qua”, ông Bình kỳ vọng.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Joe Uddo, Chủ tịch AES Việt Nam - Chủ đầu tư dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ, cho rằng với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nguồn lực con người, Bình Thuận có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực năng lượng xanh. AES là nhà đầu tư của Mỹ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào năng lượng tương lai của Việt Nam. “Khối lượng khí của nhà máy sẽ đủ năng lực cung cấp năng lượng cho 15 triệu gia đình. Việc xây dựng nhà máy sẽ tạo ra hơn 1.500 việc làm và đóng góp vào việc cải thiện chất lượng sống cho người dân. Dự án của chúng tôi ở Bình Thuận còn tạo cơ hội cho chuyển giao công nghệ, tri thức, tạo ra những sự khác biệt lâu dài trong lĩnh vực năng lượng” - ông Uddo chia sẻ.
Có thể nói, Bình Thuận hôm nay như lời của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã từng ví von “Ngày xưa, Bình Thuận là cô gái có duyên nhưng ở vùng xa xôi, cách trở, khắc nghiệt nên ít ai để ý. Ngày nay, cô gái ấy càng lớn càng xinh đẹp, chỗ ở và đi lại thuận lợi, nhà cửa khang trang hơn, chàng trai nào cũng muốn đến”.