Theo dõi trên

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng: Bình Thuận quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo sức lan tỏa để phát triển

28/02/2024, 05:17

Năm 2024 được xem là năm bắt đầu nâng quy mô nền kinh tế của tỉnh, khi hạ tầng giao thông đối ngoại đã và đang hình thành, một số dự án tỷ đô đã được chấp thuận đầu tư...

Bên cạnh, không gian cho đầu tư phát triển đã mở ra như có 28 ngàn ha đất khu vực ven biển đã được đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ; gần 48 ngàn ha khu vực dự trữ khoáng sản còn lại trước đây không thể đầu tư dự án, bây giờ đã được triển khai thực hiện dự án trên mặt. Rồi Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã phê duyệt… Tất cả là cơ sở để Bình Thuận năng động, sáng tạo và tự chủ ngân sách vào năm 2025.

dsc_0373.jpg

Trong không khí Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024 sắp diễn ra, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng xung quanh nội dung thu hút đầu tư.

PV: Trong điều kiện mới ấy, câu chuyện tạo môi trường đầu tư được đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?

“Tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh” là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong đó, cải thiện môi trường đầu tư luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà tỉnh Bình Thuận đã tập trung thực hiện trong suốt những năm qua.

416266928_1117179029302029_516734698198542185_n.jpg

Trong năm 2023, tỉnh ta đã đón nhận nhiều tin vui, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với việc chính thức đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, thời gian di chuyển giữa tỉnh Bình Thuận với các địa phương khác, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được rút ngắn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo điều kiện cho hoạt động kết nối, giao thương được thuận lợi hơn. Ngoài ra, ngày 1/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1277/QĐ-TTg phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; theo đó, hơn 28 ngàn ha đất tại khu vực ven biển đã được đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia và hơn 55 ngàn ha đất được quy định cụ thể thời gian dự trữ titan từ 30 đến 70 năm, đã trực tiếp tháo gỡ “nút thắt” nhiều năm nay của Bình Thuận, mở thêm không gian phát triển để tỉnh có thể huy động, khai thác tốt các nguồn lực đất đai tại các khu vực ven biển để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Hơn thế nữa, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023; đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, làm căn cứ để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh và tập trung thu hút đầu tư của tỉnh, tạo tiền đề vững chắc để Bình Thuận phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong nhiều năm tới.

Đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen, Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các dự án có quy mô lớn, tăng dần tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể như sau:

Một là, thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ các thông tin về quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin Quy hoạch tỉnh Bình Thuận để cung cấp đầy đủ đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Hai là, giám sát hoạt động của các dự án đầu tư từ khi quyết định chủ trương đầu tư đến khi giao đất và tổ chức thực hiện đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với những dự án vi phạm tiến độ, chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Ba là, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu cụ thể, không dàn trải và manh mún. Chủ động gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đứng đầu các chuỗi sản xuất sử dụng công nghệ cao, các nhà đầu tư chiến lược có uy tín và tiềm lực để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, tổ chức đối thoại định kỳ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các dự án đã được chấp thuận đầu tư.

Bốn là, triển khai, cụ thể hóa kịp thời các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, gắn với đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi.

Năm là, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình trọng điểm, các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... để lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân.

dsc_2542.jpg

PV: Việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch để tạo điều kiện cho các dự án lớn vào tỉnh đã triển khai tới đâu thưa đồng chí?

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm tìm hiểu, thực hiện đầu tư tại tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như sau:

Thứ nhất, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận đã tích hợp đầy đủ các quy hoạch ngành quốc gia, đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư theo danh mục các dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, trên cơ sở diện tích hơn 28 ngàn ha vừa được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, tỉnh đang nghiên cứu, ưu tiên định hướng phát triển những lĩnh vực có tính lan tỏa cao, nhất là lĩnh vực du lịch - dịch vụ tại các khu vực ven biển, phát triển đô thị sân bay nhằm tạo tiền đề để kêu gọi, thu hút các dự án chiến lược, thúc đẩy phát triển “công nghiệp không khói” trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư khu công nghiệp có cơ sở đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án thứ cấp, góp phần thúc đẩy phát triển và giữ vững vai trò trụ cột công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngày 28/2/2024, tỉnh tổ chức “Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm công bố công khai rộng rãi toàn bộ nội dung quy hoạch tỉnh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian sớm nhất.

dsc_6206.jpg

PV: Chủ đề năm 2024 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” đã cho thấy mục đích của tỉnh. Đồng chí cho biết trong năm 2024, sẽ đổi mới cách thức giải quyết công việc như thế nào, nhất là cải cách hành chính, khi các chỉ số đạt trong năm 2023 chưa khả quan?

Để cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhất là cải cách hành chính khi các chỉ số chưa có kết quả khả quan trong năm 2023; ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung nỗ lực cải cách hành chính với mục tiêu xuyên suốt là Chính quyền đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp với một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Một là, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Hai là, triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI), cải cách hành chính (PAPI, SIPAS, PAR)... trong năm 2024. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 492/KH-UBND ngày 7/2/2024 giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện xếp hạng các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh Bình Thuận trong năm 2024. Song song với đó, thực hiện hiệu quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Bình Thuận.

Ba là, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, nhất là điểm nghẽn trong công tác hỗ trợ đền bù, giải tỏa, xác định giá đất. Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai hiện đại và đồng bộ; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, công dân trong tiếp cận, khai thác sử dụng thông tin đất đai.

Bốn là, thường xuyên đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp và người dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Duy trì hàng tháng ít nhất 1 lần lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố làm việc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

dsc_4694.jpg

PV: Việc thu hút được những dự án lớn, ngoài yếu tố chủ động mời gọi có chủ đích những nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tâm huyết, theo Chủ tịch còn có yếu tố nào nữa?

Cho đến thời điểm này, có thể nói, nhiều “nút thắt” trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận đã được các cấp có thẩm quyền quan tâm, tháo gỡ, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại, việc chồng lấn các quy hoạch trên địa bàn đã tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm. Tuy vậy, để phát huy tốt được những tiềm năng, lợi thế, cũng như những cơ hội mới, ngoài việc chủ động, mời gọi các nhà đầu tư, để có thể hiện thực hóa giúp Bình Thuận “cất cánh”, phải làm cho nhà đầu tư tin tưởng vào địa phương, nhất là trong việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch đi liền với cải cách hành chính. Chính vì vậy, chúng tôi đang tập trung cho công tác này và năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lấy chủ đề là: “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”; trong đó, một yếu tố rất quan trọng là “con người” trong thực thi các nhiệm vụ và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt là: “Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”, thể hiện rõ thái độ đối với những cán bộ trì trệ, sợ trách nhiệm, né việc. Đối với tỉnh ta, thời gian qua, yếu tố “con người” vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Ngoài việc thường xuyên động viên, khích lệ kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ, tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển, bố trí công tác với cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc không hiệu quả để hướng đến xây dựng một bộ máy điều hành, giải quyết công vụ thông suốt, có trách nhiệm và hiệu quả.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí. Chúc mọi kế hoạch thu hút đầu tư của tỉnh thành công!

BÍCH NGHỊ (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
1.751 công dân lên đường nhập ngũ
Sáng mai (27/2), 1.751 công dân là thanh niên ưu tú của Bình Thuận sẽ chính thức lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Nổi bật
Giao thông “mở lối” cho người nghèo
Phần lớn các xã trong huyện Hàm Thuận Nam đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng: Bình Thuận quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo sức lan tỏa để phát triển