Theo dõi trên

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

27/02/2024, 05:45

Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo sự đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân… Qua đó, tạo động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh.

Phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân

Theo Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh, năm 2023, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, phường, thị trấn tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trọng tâm là thực hiện phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng”, các địa phương đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong việc lấy ý kiến trước khi ban hành nghị quyết, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua đó, nhân dân tích cực tham gia nhiều ý kiến phản ánh, góp ý, kiến nghị cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng giải quyết những vụ việc, vướng mắc, khó khăn nảy sinh trong đời sống xã hội.

image007.jpeg
Người dân huyện Hàm Thuận Bắc đối thoại với lãnh đạo tỉnh.

Bên cạnh đó, cấp ủy cấp xã xây dựng kế hoạch và tổ chức 126 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; định hướng nội dung giám sát, phản biện xã hội năm 2023 cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Các nội dung giám sát, phản biện tập trung vào việc ban hành, thực hiện các chính sách hỗ trợ, việc thực hiện các quy định của pháp luật, các vấn đề nhân dân quan tâm... Đồng chí bí thư cấp ủy cấp xã thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng đúng theo Quy định số 11 của Bộ Chính trị.

Mặt khác, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn tiếp tục phát huy tốt vai trò, chức năng của mình. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được tổ chức triển khai hoạt động ở các xã, phường, thị trấn. Trong năm, đã tiến hành giám sát 489 công trình giao thông nông thôn, nạo vét kênh nội đồng, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, xây nhà ở hộ nghèo... với tổng giá trị gần 128,76 tỷ đồng, riêng vốn huy động trong nhân dân gần 29,79 tỷ đồng. Qua giám sát, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng và đúng quy định. Các công trình không đảm bảo chất lượng đã kịp thời phát hiện, kiến nghị các chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục các sai sót.

Về phía các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tiếp công dân và tiếp nhận, giải quyết đơn thư theo quy định. Năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp 5.053 lượt/5.290 người /3.909 vụ việc. Nội dung qua tiếp công dân và nhận đơn chủ yếu liên quan đến việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, việc đòi lại đất cũ, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường ĐT 719, đầu tư mới đường ĐT 719B; việc cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; việc lấn chiếm đất công, ô nhiễm môi trường; một số địa phương chậm giải quyết chính sách, đơn, thư của công dân...

Nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh xác định năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Để tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp cần quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được xác định trong nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận năm 2024 gắn với việc triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định 61 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; chuyên đề “học tập và làm theo” năm 2024 nhằm phát huy tốt vai trò của nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Cùng với đó, theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình dư luận, những vấn đề bức xúc, khó khăn ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết. Chú ý thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của địa phương, nhất là công tác kiểm kê, áp giá, thu hồi đất, đền bù, tái định cư... Đồng thời, tập trung thực hiện tốt chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy (khóa XIV) “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” bằng các giải pháp hiệu quả, cụ thể là cải thiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi trễ hẹn, sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính; khắc phục triệt để tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường sự lãnh đạo, phát huy trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dân chủ gắn với nhiệm vụ chính trị được giao...

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bắc Bình: Quy chế dân chủ góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh
Là huyện miền núi nằm phía bắc của tỉnh, Bắc Bình có 25 thành phần dân tộc chung sống xen kẽ nhau, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 37% so với dân số toàn huyện. Thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ là động lực phát triển kinh tế - xã hội