Các triệu chứng điển hình của bệnh lao. |
Tỷ lệ mắc tăng
Năm 2015 đã phát hiện 1.718 bệnh nhân lao mọi thể, (tăng 158 bệnh nhân so với năm 2014), trong đó có 813 bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới phát hiện. Riêng thành phố Phan Thiết có 436 ca mắc bệnh, trong đó có 185 bệnh nhân lao phổi AFB(+). 9 tháng năm 2016, toàn tỉnh có 2.260 trường hợp mắc lao, thì có 1.359 số bệnh lao mới phát hiện. Tỷ lệ mắc bệnh do lao là 135/100.000 dân. Số bệnh nhân mang bệnh lao tăng liên lục, với tỷ lệ mắc cao. Nếu không có biện pháp ngăn ngừa, thì bệnh lao sẽ gia tăng nhanh, trở nên vấn đề “nóng” trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe của người dân.
Ông Phạm Ngọc Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Thuận cho biết: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1/3 dân số thế giới nhiễm lao. Nghĩa là cứ 3 người thì có 1 người nhiễm lao. Bình Thuận có khoảng 1,2 triệu dân, thì khoảng 400.000 người có vi trùng lao tiềm ẩn. Bệnh này thường tập trung ở những khu dân cư đông đúc, đặc biệt vùng biển Tuy Phong, Phan Thiết và La Gi”.
Theo ông Hùng, vi trùng lao lây qua đường không khí. Thông qua hoạt động giao tiếp hàng ngày, người lành dễ bị nhiễm bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị sớm thì con số ấy sẽ tăng theo cấp số nhân. Số người mắc bệnh lao mới tăng cao do phát hiện chưa tốt, các triệu chứng khó thở, đau ngực… không bộc lộ, đi khám bệnh thông thường mới phát hiện. Hơn nữa, đa số bệnh nhân lao là người lao động chân tay, đời sống khó khăn, chế độ dinh dưỡng kém… cũng là tiềm ẩn bệnh tái phát.
Người bệnh mặc cảm
Ông Trần Văn Ng. (Phú Tài - Phan Thiết) chia sẻ: “Tôi phát hiện bệnh lao khi chụp X quang khám sức khỏe. Trong thời gian đang điều trị tại bệnh viện, người nhà ít thăm. Sau khi xuất viện, hàng xóm quanh nhà biết tôi mắc bệnh lao đều lánh xa, tôi mang cảm giác cô đơn”.
Tương tự chị Nguyễn Thanh T. (Hàm Thuận Nam) thổ lộ, bạn trai sắp cưới đang mắc bệnh lao, được phát hiện khi khám sức khỏe chuẩn bị hồ sơ đi làm. Tôi thật sự lo lắng rất nhiều, sợ cũng bị nhiễm giống anh ấy. Nếu gia đình tôi biết anh mắc bệnh lao, hôn nhân chúng tôi sẽ đổ vỡ. Nếu im lặng mà đến với nhau cũng mang nhiều nỗi lo. Từ khi anh mắc bệnh, tôi hạn chế gặp, chủ yếu nói chuyện qua điện thoại.
Với bà Lê Thị H. (Tuy Phong) là bệnh nhân lao tái phát. Do gia đình làm nông trông chờ vào vài sào ruộng, bắp thì không đủ nuôi sống gia đình, phải làm thuê kiếm thêm, chế độ dinh dưỡng không đủ kết hợp điều trị không đúng theo lời dặn bác sĩ. Nghèo và bệnh tật luôn đeo bám bà H., chưa kể khi người xung quanh biết bà mắc bệnh cũng hạn chế việc thuê mướn bà làm thêm.
Nhìn vào phòng điều trị có người thì nằm quay mặt vào vách tường, người thì nhìn lên trần nhà, người thì nhìn qua khung cửa sổ… đều có ánh mắt nhìn xa xăm, mang nhiều lo âu.
Tuân thủ đúng, dễ trị
9 tháng năm 2016, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Thuận điều trị lành cho 1.380/1.524 bệnh nhân, đạt tỷ lệ 90,6%. Với bệnh nhân lao mắc mới được điều trị lành 602/658 bệnh nhân, đạt 91,5%. Phần lớn bệnh nhân lao sẽ được chữa khỏi nếu tuân thủ tốt liệu trình điều trị 6 - 8 tháng và theo dõi một cách nghiêm ngặt.
Ông Hùng cho biết, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ cũng như phác đồ điều trị. Mục tiêu tại thời điểm này là khống chế bệnh lao, chủ động phát hiện và hướng dẫn điều trị bệnh nhân lao tại cộng đồng, điều trị kịp thời đúng phác đồ những bệnh nhân mắc bệnh. Đó là tăng cường các hoạt động giám sát để phát hiện nguồn lây, tiếp cận những bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị. Nỗ lực tìm kiếm, điều trị và cứu chữa những bệnh nhân bị bỏ lỡ trong quá trình điều trị trước. Quan tâm tới các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, vùng có nguy cơ dịch tễ lao cao, nhóm đối tượng nhiễm HIV, người trong các trại giam.
Trang Minh