Theo dõi trên

Bình Thuận không chỉ có biển xanh, cát trắng

05/01/2022, 08:52

BT- Đoàn khảo sát gồm vài chục doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm du lịch khác, vừa có chuyến đi khảo sát và trải nghiệm một số điểm đến tiềm năng của Bình Thuận như: hồ Hàm Thuận - Đa Mi, Thác Bà, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, hồ Biển Lạc, thác Ba Tầng, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, suối nước nóng Bưng Thị…

du-lich-mui-ne-doi-cat-bay3.jpg
Ảnh IT

Sau chuyến khảo sát, đoàn sẽ góp ý với Bình Thuận về việc đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng, núi, hồ, thác để tạo nên những tour du lịch dã ngoại độc đáo, hướng về thiên nhiên như: cắm trại, chèo thuyền, câu cá trên hồ, leo núi, vượt thác, hay xe đạp địa hình, đi bộ băng rừng, du lịch sinh thái vào các vườn cây trái ở Rô Mô - Đa Kai, Đa Mi…

Lâu nay nhắc đến Bình Thuận, người ta chỉ biết đến Mũi Né. Thương hiệu Mũi Né biển xanh, cát trắng, nắng vàng đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, khiến nhiều người ao ước được một lần đến.

Nhưng Bình Thuận không chỉ có biển xanh, cát trắng, mà còn có tiềm năng rừng, núi, hồ, thác đa dạng và độc đáo, gần như chưa khai thác được bao nhiêu.

Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đánh giá: Ngành du lịch Bình Thuận chưa khai thác hết tài nguyên, lợi thế; loại hình, sản phẩm du lịch chưa đa dạng…

Còn dư luận cho rằng du lịch Bình Thuận mới đi một chân là biển, du lịch mới phát triển ở các địa phương có biển. Sắp tới, cùng với phát triển du lịch biển đảo, cần khai thác du lịch sinh thái rừng, núi, thác, hồ, hình thành các tour “lên rừng xuống biển” để thu hút du khách.

Ví dụ như: Hàm Thuận Nam không chỉ có bãi biển Thuận Quý - Kê Gà - Tiến Thành, mà còn có rừng núi Tà Cú - suối nước nóng Bưng Thị, hoàn toàn có thể phát triển thành khu du lịch điều dưỡng, chữa bệnh suối khoáng nóng, kết hợp dịch vụ spa cao cấp. Nhất là khi sát bên đang xây dựng khu đô thị biển Novaworld và cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, rút ngắn thời gian di chuyển của khách từ TP. Hồ Chí Minh đến đây còn 2 giờ.

Hay các điểm như rừng dầu Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc), tuyến du lịch Tà Năng -Phan Dũng, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Khu bảo tồn biển Phú Quý, Cù Lao Câu và nhiều hồ, thác đẹp của Bình Thuận đều có thể hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, nếu được đầu tư đúng mức.

Năm 2022, năm thứ 3 đại dịch Covid-19, một xu hướng du lịch được ưa chuộng là tìm về với thiên nhiên. Bình Thuận không chỉ đánh thức tiềm năng điện gió, điện mặt trời, mà cần đánh thức cả tiềm năng du lịch rừng, núi, hồ, thác, để phục hồi và phát triển du lịch theo hướng xanh-bền vững, như nghị quyết về phát triển du lịch vừa ban hành.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dịp Tết Dương lịch 2022: Du lịch Bình Thuận thu hút khoảng 13.500 lượt khách
BTO- Qua tổng hợp thông tin, Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết dịp Tết Dương lịch 2022 vừa qua, toàn tỉnh đã đón khoảng 13.500 lượt khách, bao gồm khách tham quan và khách lưu trú.
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận không chỉ có biển xanh, cát trắng