Theo dõi trên

Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW: Kết quả bước đầu sau 1 năm thực hiện

13/11/2023, 05:54

Ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 20- NQ/TW, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới (viết tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TW); Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU, với quyết tâm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW trong toàn Đảng bộ tỉnh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

ocop.jpg
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đình Hòa

Kết quả bước đầu

Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về KTTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bản chất, nguyên tắc hoạt động của mô hình HTX kiểu mới trong giai đoạn hiện nay đảm bảo hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dân chủ và bình đẳng; vận động các HTX chú trọng công tác phát triển thành viên, quan tâm đến giáo dục, tuyên truyền và thông tin đến thành viên HTX. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 20- NQ/TW, Nghị quyết số 09/NQ-CP, Chương trình hành động số 43-CTr/TU và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến các tầng lớp Nhân dân; định hướng, tuyên truyền, mở các chuyên mục trên báo, đài nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX luôn được quan tâm thực hiện đã góp phần nâng cao kỹ năng quản trị điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động trong HTX. Đối với chính sách đất đai, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 10/10 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chính sách tài chính - tín dụng, được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong hoạt động của KTTT. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, trong đó có các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn đối với HTX đảm bảo đơn giản, phù hợp quy định và tạo thuận lợi cho HTX vay vốn. Tăng cường lãnh đạo các hoạt động hỗ trợ KTTT giới thiệu quảng bá sản phẩm đến các du khách trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Triển khai thực hiện đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh của tỉnh Bình Thuận”; triển khai sàn thương mại điện tử ngành Công Thương 03 tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận – Lâm Đồng. Đối với chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-UBND, ngày 07/01/2022 phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, chế biến gắn với tiêu thụ lúa, gạo chất lượng cao huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh. Tỉnh đã bố trí nguồn vốn đầu tư công 50 tỷ đồng thực hiện chính sách nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức KTTT làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật; các thành viên khác không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tạo điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khuyến khích các HTX tăng nguồn vốn hoạt động từ vốn góp và vốn góp từ các thành viên để khuyến khích các HTX tăng cường liên kết giữa thành viên HTX, giữa HTX và doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết sản xuất – chế biến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT…

ocop-1.jpg

Những khó khăn…

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW, Chương trình hành động số 43-CTr/TU, Kế hoạch số 1538/KH-UBND có nơi chưa sâu kỹ; một bộ phận người dân và thành viên HTX nhận thức chưa đầy đủ về bản chất, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của KTTT, nhất là HTX. Một vài HTX có dấu hiệu hoạt động cầm chừng, HTX mới thành lập chậm đi vào hoạt động, có trường hợp còn trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước. HTX chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất; sản phẩm của HTX sản xuất ra chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, khả năng cạnh tranh thấp, nhất là thị trường xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong khu vực KTTT còn hạn chế. Khu vực KTTT tiếp cận các chính sách đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển KTTT, HTX, cụ thể: Các chính sách hỗ trợ KTTT về đất đai, tín dụng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn ít…

Phải quyết tâm thực hiện

Để khắc phục những tồn tại trên, yêu cầu đặt ra phải xây dựng cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến KTTT thật đồng bộ. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về Nghị quyết số 20-NQ/TW, Chương trình hành động số 43-CTr/TU. Tăng cường lãnh đạo củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, nhất là các HTX và tổ hợp tác hiện có; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các HTX mới gắn với hỗ trợ xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng phương án hoạt động. Chú trọng hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các mô hình KTTT. Hỗ trợ các tổ chức KTTT xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP; xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh vào chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững. Phát triển hệ thống phân phối sản phẩm HTX, tổ hợp tác tại các thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị; khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ HTX, tổ hợp tác tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong nước, quảng bá thông tin hình ảnh sản phẩm, kết nối giao thương trên môi trường mạng thông qua các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Thực hiện tốt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động KTTT để nắm sát tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và dự báo xu hướng phát triển; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả; theo dõi, xuyên suốt quá trình hoạt động và thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả...

P.V


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tuy Phong phải phát huy tiềm năng về đất đai, du lịch, năng lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đó là một trong những nội dung kết luận do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh ký ban hành sau buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW: Kết quả bước đầu sau 1 năm thực hiện