Theo dõi trên

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tuy Phong phải phát huy tiềm năng về đất đai, du lịch, năng lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao

10/11/2023, 05:15

Đó là một trong những nội dung kết luận do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh ký ban hành sau buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

tuy-phong-2-.jpg.jpg
Điện gió ở Tuy Phong. Ảnh N. Lân.

Kết quả từ nỗ lực…

Nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã qua, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Tuy Phong đã đạt được những kết quả tích cực. Huyện đã tổ chức thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện cơ bản đạt tiến độ đề ra. Thu ngân sách các năm 2021, 2022 vượt chỉ tiêu đề ra. Xây dựng nông thôn mới được thường xuyên chỉ đạo, đạt kết quả khá. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê, kè, hạ tầng các khu dân cư, giáo dục, y tế... Đã thu hút nhiều hơn các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư trên các lĩnh vực năng lượng, thương mại, du lịch. Công tác giải ngân vốn đầu tư công có nhiều cố gắng. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản, môi trường được quan tâm chỉ đạo. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc nổi lên được tập trung chỉ đạo. Chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên; công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn căn bản được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả khá toàn diện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên tiếp tục được nâng lên; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức chuyển biến tích cực hơn. Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên được chú trọng, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm xảy ra. Công tác phòng, chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo. Công tác dân vận được tăng cường; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới, hướng về cơ sở; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và phát huy.

tuy-phong-1-.jpg.jpg
Trồng nho công nghệ cao ở Tuy Phong. Ảnh N. Lân.

… Vẫn còn những hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, cần quan tâm, đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Ngoài công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp khác trên địa bàn chưa phát triển, tiến độ triển khai dự án Khu công nghiệp Tuy Phong rất chậm. Lĩnh vực nông nghiệp chưa có sự bứt phá, thiếu các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả. Dịch vụ, du lịch giá trị gia tăng thấp, chưa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường; công tác quản lý, bảo vệ, giữ gìn di tích, danh lam thắng cảnh có nơi chưa tốt. Thu ngân sách nhà nước tuy năm sau cao hơn năm trước nhưng đang có xu hướng sụt giảm tương đối so với các địa phương khác. Công tác xử lý một số trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản trái phép chưa kiên quyết, có nơi còn để diễn biến phức tạp. Thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu; tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị, vật tư, thuốc chữa bệnh thiếu, đội ngũ bác sĩ còn hẫng hụt làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. An ninh, trật tự có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp; trong các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai, tội phạm, địa bàn đều tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở một số cấp ủy cơ sở chưa sát với tình hình thực tế của địa phương…

tuy-phong-3-.jpg.jpg
Du lịch biển ở Bình Thạnh, Tuy Phong. Ảnh N. Lân.

Phát huy tiềm năng lợi thế để vươn lên

Tuy Phong có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Huyện có diện tích tự nhiên đứng thứ 5, dân số đứng thứ 3 so với các các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đặc biệt, Tuy Phong hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển cả 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp; du lịch - dịch vụ và nông nghiệp. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Tuy Phong phải phát huy tiềm năng về đất đai, du lịch, năng lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Theo đó, chú ý rà soát, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để đạt kết quả cao nhất vào cuối nhiệm kỳ. Quá trình đó, cần chú ý tính toán, cơ cấu lại các ngành nghề, lĩnh vực mà huyện có thế mạnh, nhất là phát huy tiềm năng về đất đai, du lịch, năng lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tạo giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, tăng quy mô kinh tế của huyện; đồng thời, tập trung lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các dự án du lịch tháo gỡ khó khăn về đất đai, hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, rà soát, kiến nghị tỉnh thu hồi các dự án chậm triển khai, không có năng lực triển khai theo quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh đề xuất việc kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư mới có năng lực, không để lãng phí tài nguyên đất đai. Tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường tại các khu, điểm du lịch, gắn với giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước, bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước và hồ, đập trên địa bàn huyện. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đầu tư các thiết chế văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào lĩnh vực này. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quản lý tốt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Nắm chắc tình hình, xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch ngay tại cơ sở, không để diễn biến phức tạp, không để trở thành “điểm nóng”, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Đối với công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, phải tập trung chỉ đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đưa việc sinh hoạt chính trị với chủ đề “Giữ trọn lời thề đảng viên” trở thành việc làm thường xuyên để mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên tự rà soát, soi rọi, tự chấn chỉnh, uốn nắn, phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, chú trọng phát hiện nhân tố trẻ, nhân tố mới, có triển vọng để quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng, tạo nguồn cán bộ lâu dài. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm không đến nơi, đến chốn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm để tạo chuyển biến rõ nét về ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, trước hết là đội ngũ cán bộ quản lý các ngành, các cấp. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển huyện Tuy Phong.

P.V


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giải ngân vốn vay không lãi suất cho 20 hội viên Chữ thập đỏ khó khăn
Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa tổ chức giải ngân vốn vay không lãi suất cho 20 hội viên chữ thập đỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tuy Phong
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tuy Phong phải phát huy tiềm năng về đất đai, du lịch, năng lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao