Theo dõi trên

Bình Thuận tiếp tục cải thiện PCI

12/07/2018, 08:05

BT- Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, Bình Thuận đứng thứ 24/63 tỉnh, thành, đạt 63,34 điểm và tăng lần lượt 8 bậc - 5,14 điểm so năm trước đó, cao hơn các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ như Đồng Nai (2 bậc), hơn Ninh Thuận (14 bậc), hơn Bình Phước (38 bậc)...

                
      
Bình Thuận quyết tâm cải thiện PCI, tạo điều    kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư dự án và hoạt động sản xuất,    kinh doanh hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Rút ngắn khoảng cách với tỉnh đứng đầu

Được kết quả như trên, suốt thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Thuận. Theo đó tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cải thiện tốt môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp… vì vậy nhiều tiêu chí thành phần dần chuyển biến tích cực. Năm vừa qua, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ luôn được các cấp ngành triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực canh tranh, đem lại hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đánh giá cao về “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh” đối với khu vực kinh tế tư nhân, năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý là trong 10 tiêu chí PCI năm 2017, Bình Thuận có 7 tiêu chí tăng điểm so năm 2016, gồm: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch thông tin, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động. Đồng thời có 5 tiêu chí tăng bậc là Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch thông tin, Chi phí không chính thức, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

 Như vậy theo kết quả PCI năm 2017 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Bình Thuận đã rút ngắn khoảng cách điểm số với tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng Quảng Ninh còn 7,35 điểm (năm trước đó là 11,8 điểm). Cũng qua đây cho thấy, địa phương cần quan tâm và có giải pháp khắc phục đối với 3 tiêu chí giảm điểm (Chi phí gia nhập thị trường, Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự) và một số tiêu chí giảm bậc.

 Tiếp tục nỗ lực cải thiện

Trong năm 2018 và thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Bình Thuận và phấn đấu vào Top 20 trên bảng xếp hạng PCI.

Để hướng đến mục tiêu đề ra, trước mắt địa phương nỗ lực cải thiện các tiêu chí giảm điểm trong năm qua, như về Chi phí gia nhập thị trường tại Bình Thuận đã giảm 0,65 điểm so năm 2016. Dù được đánh giá vẫn cao hơn điểm trung vị của cả nước 0,35 điểm và trong 5 năm qua (2013 - 2017) luôn thuộc nhóm những chỉ số có xu hướng cải thiện tốt nhất, nhưng hiện vẫn tồn tại một số thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cụ thể trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật... Đối với tiêu chí Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, mức giảm 0,14 điểm được cho là có phần xuất phát từ nguyên nhân việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn kéo dài, một phần do các luật còn chồng chéo (như Luật Đầu tư, Luật Môi trường, Luật Đất đai hoặc chồng lấn quy hoạch titan). Tuy nhiên cũng cần xem lại công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vì theo phản ảnh thì còn nặng về xử phạt và chưa thực sự chú trọng đến nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Riêng tiêu chí Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 0,15 điểm, lý do bởi hầu hết doanh nghiệp địa phương có quy mô nhỏ và vừa, đa phần tranh chấp hợp đồng kinh tế đều tự thương lượng hòa giải, nhiều trường hợp khi khởi kiện còn xem nhẹ yếu tố pháp luật, chưa có thói quen mời luật sư. Thế nên đơn vị chức năng tại địa phương cần tiếp tục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, gắn công tác xét xử với tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó tạo niềm tin cho các doanh nghiệp Bình Thuận thấy được lợi ích trong việc mời luật sư tư vấn và sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp...

    
  

  Cơ sở hạ   tầng cũng cần cải thiện

    Cơ sở hạ   tầng không phải chỉ số đưa vào tính điểm PCI, thế nhưng đây lại là nguồn   thông tin mang tính tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp và các nhà hoạch   định chính sách. Thực tế cũng cho thấy, những tỉnh, thành có GRDP (tổng   sản phẩm trên địa bàn)/người và tăng trưởng cao nhất là những địa phương   có chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng tốt nhất… Năm 2017, chỉ số về   cơ sở hạ tầng của Bình Thuận đứng thứ 58/63 tỉnh, thành. Vì vậy thời   gian tới cũng cần tập trung cải thiện, trong đó sẽ ưu tiên đầu tư các dự   án giao thông mang tính liên kết vùng và đem lại bước đột phá như: Đường   cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Sân bay Phan Thiết, các tuyến đường tỉnh   (ĐT.719, ĐT.719B, ĐT.711 hoặc nâng cấp quốc lộ 28, 28B)…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận tiếp tục cải thiện PCI