Theo dõi trên

Bóng đá Bình Thuận: Chủ quan là khó thăng hạng

06/07/2017, 09:36

BT- Nhìn vào thứ tự xếp hạng bảng B sau lượt đấu thứ 11 (chiều 3/7) chúng ta dễ dàng nhận thấy đội bóng đá Bình Thuận đang ở vị trí thứ 4, đồng nghĩa với việc vượt qua vòng loại để thi đấu vòng chung kết, với 8 đội tham dự, để tranh 3,5 suất lên hạng nhất vào năm 2018.

                
   Bình Thuận (áo xanh) đang còn nhiều khó    khăn để thực hiện hóa ước mơ thăng hạng.

Vòng loại mới bước qua lượt 11, còn 3 lượt thi đấu nữa. Qua bảng xếp hạng, Bình Thuận nằm ở top 4 bảng B với cách biệt điểm số không cao với các đội xếp trên.

Theo điều lệ Giải bóng đá hạng nhì quốc gia 2017 quy định, sẽ chỉ có 1 đội cuối bảng sẽ xuống hạng ba năm sau và đội bóng đá Bình Thuận chắc chắn không rớt hạng.

“Trụ hạng thành công trong năm 2017 là mục tiêu của Bình Thuận, nhưng nếu có cơ hội, đội bóng sẽ cố gắng để thăng hạng”, ông Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Bình Thuận, Chủ nhiệm đội bóng đá Bình Thuận khẳng định điều này trước mùa giải mới.

Được biết, muốn thăng hạng phải có ít nhất 2 yếu tố: một là các điều kiện chủ quan gồm khả năng, thực lực, thành tích thi đấu; tinh thần cầu thủ phải ổn định, có mục tiêu phấn đấu; rồi việc bố trí lịch tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp, chế độ dinh dưỡng… Trong khi yếu tố khách quan là điều quan trọng không kém, là lịch thi đấu, khả năng của đối thủ, yếu tố can thiệp (có thể xảy ra) của ban tổ chức, lực lượng trọng tài và điều kiện sân bãi, khán giả…Đây là những điều kiện cơ bản có thể ảnh hưởng đến kết quả các trận đấu, đặc biệt là vào cuối mùa giải, làm thay đổi cục diện của cả một giải đấu rất chóng vánh.

Xét về chủ quan, khả năng và thực lực của đội Bình Thuận ở Giải hạng nhì năm 2017 đã minh chứng rõ nét với 5 chiến thắng, 3 hòa, 3 thua. Đây là thành tích thi đấu bình thường, nhưng điểm đặc biệt là đội chủ sân Phan Thiết đã cố gắng tận dụng giành các điểm số khi được chơi trên sân nhà (đạt 14 điểm/18 điểm tối đa của 6 trận đá ở sân Phan Thiết). Trong khi đá 5 trận sân khách thì thua đến 3 (trước Mancons Sài Gòn, PVF và Long An), hòa 1 trước An Giang, thắng 1 trên sân Cà Mau). Điều này cho thấy thầy trò huấn luyện viên Trần Thống Khai đã có những định hướng tốt trong thi đấu, biết phân phối sức và điều chỉnh hợp lý phù hợp với các trận đấu, đối thủ thi đấu khác nhau. Việc sắp xếp lịch nghỉ ngơi cũng tương đối khoa học. Cụ thể sau mỗi trận sân nhà, đội sẽ di chuyển trong đêm đến địa điểm tổ chức trận sân tiếp theo, để chuẩn bị tốt nhất cho các trận trên sân khách.

Nhưng khó khăn gần như nằm ở yếu tố khách quan. 3 lượt đấu cuối, đội bóng đá Bình Thuận sẽ đấu 2 trận sân khách gặp Tiền Giang và Bến Tre, 1 sân nhà tiếp đón Long An. Xét về mục tiêu, cả 3 trận này đều rất khó khăn. Đầu tiên, Tiền Giang (vị thứ 6 với 11 điểm) vẫn còn khả năng chen chân vào top 4, nhất là khi 3 trận cuối của Tiền Giang đều không mạnh (gặp Bình Thuận, Cà Mau và An Giang). Trận đấu với Bến Tre ở lượt 13 cũng sẽ khó khăn vì đội bóng xứ dừa vẫn còn mục tiêu trụ hạng. Còn trận đấu cuối tiếp Long An sẽ vô cùng nan giải, vì đội khách sẽ muốn thắng để có lợi thế tiếp đón các đội bóng yếu hơn của bảng A tại vòng chung kết.

Đội bóng có khả năng đánh bật Bình Thuận khỏi top 4 là An Giang. Đây là đội bóng mới được xây dựng lại (sau khi Hùng Vương An Giang giải thể), được tỉnh An Giang đầu tư với nguồn tài chính dồi dào, nguồn cầu thủ địa phương có bản sắc, có sự cố gắng vì màu cờ sắc áo quê hương… Đội An Giang sẽ đấu trên sân khách với Long An và Tiền Giang, sân nhà Long Xuyên đón tiếp Mancons Sài Gòn. Cả Long An và Mancons Sài Gòn đều gần như chắc chắn vào vòng chung kết, nếu các đội này giữ sức, “nhường điểm”, đội An Giang sẽ có tối đa đến 24 điểm trong khi khoảng cách hiện nay giữa Bình Thuận hạng 4 và An Giang hạng 5 chỉ là 1 trận thắng. Các điều kiện về sân bãi, khán giả, thời tiết, nhất là trọng tài, ban tổ chức trận đấu…cũng sẽ tạo nên những khó khăn riêng cho đội bóng đá Bình Thuận, vốn không được đánh giá cao tại mùa giải 2017, trong 3 lượt đấu cuối cùng.

Vì vậy, không nên chủ quan trong tập luyện và thi đấu. Ban chủ nhiệm đội bóng cần tham mưu nhanh cho Sở VHTTDL và UBND tỉnh trong việc tăng cường điều kiện dinh dưỡng, thuốc bổ, chế độ ăn uống, thư giãn, giải trí… Ngoài các khoản thưởng mà ngân sách tỉnh hỗ trợ, cần vận động các mạnh thường quân giúp đỡ tinh thần, vật chất cho đội bóng, cần thiết hỗ trợ xe, tổ chức đưa cổ động viên trung thành đi sân khách cổ vũ tinh thần cho đội, huy động lượng cổ động viên lớn trong trận tiếp đón Long An trên sân nhà Phan Thiết…

Rất nhiều việc cần làm để hiện thực hóa ước mơ thăng hạng của bóng đá Bình Thuận, điều mà hơn 22 năm qua người dân chờ đợi.

Đình HẬU



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Bình Thuận: Chủ quan là khó thăng hạng