Theo dõi trên

Bỗng dưng bị… “đòi quà”

14/11/2022, 05:27

Mấy hôm trước tôi được phân công đưa tin ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở một khu phố nọ.

Ban đại diện khu phố tổ chức khá chu đáo, rất đông bà con từ già đến trẻ kéo nhau đến tham gia ngày hội. Khu phố còn mời gọi những phụ nữ lớn tuổi tham gia biểu diễn văn nghệ, diễn kịch khá ấn tượng, nhận được lời khen ngợi từ khách mời. Tuy nhiên, đến phần trao quà cho các gia đình chính sách và học sinh vượt khó, khâu tổ chức có phần lộn xộn, khi số người lên nhận vượt số danh sách được đọc tên. Ban đại diện khu phố không biết hộ nào thừa, nên đành mời vài hộ ngẫu nhiên xuống sân khấu để lãnh đạo tặng quà trước, rồi rà danh sách lại sau. Đến phần trao học bổng cho học sinh nghèo cũng thế. Do khu phố không thông báo về trường nhờ thầy cô nhắc nhở các em được học bổng phải mặc đồng phục gọn gàng khi tham gia ngày hội. Thế là, em bận quần đùi, em mặc đồ bộ, em nào biết lại mặc đồng phục quần xanh, áo trắng. Để buổi trao tặng quà không bị nhếch nhác, ban đại diện khu phố lại phải mời những em không có đồng phục xuống sân khấu, nhận quà sau. Nhìn các em hụt hẫng, ngại ngùng đi lên rồi lại bị “đuổi” xuống, tôi cũng thấy ái ngại giùm. Qua đó cho thấy, khâu tổ chức ngày hội đại đoàn kết của khu phố với địa phương chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Trong đó có phần tuyên dương những gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhưng chỉ có 1 – 2 hộ lên nhận. Có thể khối lượng công việc dành cho ngày hội nhiều, từ chuẩn bị sân khấu, ánh sáng, âm thanh, đến người dẫn chương trình, nội dung, khách mời… trong khi ban đại diện khu phố lại ít người, chưa có kinh nghiệm, nên còn lúng túng trong việc trao phát quà. Biết rằng, những phần quà ấy rồi sẽ trao đúng tay người cần nhận, nhưng sự thiếu chu đáo ở ngày hội phần nào làm người trong cuộc mất vui, chưa kể đến sự mặc cảm, hổ thẹn.

Cũng xuất phát từ thiếu sự phối hợp trong khâu tổ chức, mà dẫn đến tình trạng bỗng dưng bị “đòi quà” khá bất ngờ. Trong một chương trình hỗ trợ cho ngư dân mới đây, vài chủ tàu được đơn vị biên phòng thông báo ngày đó cho tàu cập cảng Phan Thiết, tham gia các hoạt động của chương trình và nhận quà. Mấy anh ngư dân, bạn thuyền nghe được tặng quà phấn khởi lắm, bỏ cả đi biển và mong đợi từng ngày vì đời sống ai cũng khó khăn. Không hiểu sao, sau khi tay bắt mặt mừng được tặng quà trên tàu, vừa lên bờ các anh bỗng dưng bị “đòi” lại quà khi cầm chưa nóng tay, trong sự tiếc nuối, hụt hẫng và khó hiểu. Hỏi ra mới biết, địa phương nơi tổ chức chương trình đã lên danh sách những ngư dân khác được nhận quà, còn những ngư dân này không phải “đối tượng”. Nghĩa là giữa địa phương và biên phòng đã thiếu sự phối hợp trong việc lên danh sách ngư dân tham gia chương trình và nhận quà, dẫn đến tình trạng bị “đòi quà” rất khó coi. Phần quà tuy nhỏ, mang giá trị chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng với những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, đó là phần quà quý mà có thể phải mất vài ngày đi biển họ mới kiếm đủ tiền mua phần quà trên. Thế là họ nhờ tôi hỏi thăm cơ quan chức năng có “vấn đề” gì không, sao lại thu lại quà? Sau khi tìm hiểu, thì mới biết do thiếu sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, thiếu sự phối hợp, trao đổi giữa các đơn vị, địa phương nên mới xảy ra chuyện dở khóc dở cười như thế. Biết rằng, bên nào cũng có ý tốt, muốn những phần quà trao đúng đối tượng là những ngư dân nghèo, chẳng qua những trường hợp khó khăn lúc nào cũng nhiều hơn suất quà mà nhà tài trợ đã chuẩn bị trước. Vì thế, việc trao quà người có, người không hay “nhầm” đối tượng dễ phát sinh những suy nghĩ không hay. Sau khi lãnh đạo, đơn vị tài trợ chính nắm tình hình, đã gọi điện động viên, chia sẻ những ngư dân bị “đòi quà” và sẽ cố gắng tìm nguồn tài trợ khác để các anh được nhận quà sau.

Nhiều chương trình trao học bổng, tặng quà cho gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn… ít nhiều cũng xảy ra những trường hợp như trên. Vì thế, ban tổ chức những chương trình ấy cần phối hợp chặt chẽ với nhiều bên để danh sách nhận quà thật chính xác, rà soát đúng đối tượng, tránh để xảy ra tình trạng lấy của người này trao cho người khác, hoặc bị “đòi quà” khó hiểu!

S. NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nghe và thấy: Chuyện sách giáo khoa
Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, thời tôi còn là học sinh tiểu học, tôi còn nhớ rất rõ những bộ sách tôi dùng đều là của người anh họ hơn tôi 1 tuổi. Vì thế, gia đình tôi thời ấy không mất nhiều chi phí cho việc đầu tư mua sách giáo khoa (SGK) qua từng năm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỗng dưng bị… “đòi quà”