Theo dõi trên

Nghe và thấy: Chuyện sách giáo khoa

15/06/2022, 06:17

Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, thời tôi còn là học sinh tiểu học, tôi còn nhớ rất rõ những bộ sách tôi dùng đều là của người anh họ hơn tôi 1 tuổi. Vì thế, gia đình tôi thời ấy không mất nhiều chi phí cho việc đầu tư mua sách giáo khoa (SGK) qua từng năm.

Nhưng thời nay đã khác. Tôi có 2 đứa con, đứa lớp 3, đứa lớp 1, nhưng đứa em không thể dùng lại sách của chị vì SGK liên tục được chỉnh sửa, cải cách, xuất bản mới. Chưa kể, năm học 2020 - 2021, khối học sinh lớp 1 được thí điểm chương trình mới với các bộ SGK mới rất nhiều “sạn”. Thay vì chỉ có 1 bộ sách như trước, chương trình mới cho phép các trường chọn lựa 5 bộ sách gồm: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Kết nối tri thức với cuộc sống. Sau 1 năm thí điểm, mỗi trường chọn 1 bộ sách tùy thích thì sang năm thứ 2, Bộ GD&ĐT lại thay đổi và mỗi tỉnh chọn 1 bộ SGK! Nhiều gia đình có con học liền kề cũng không thể dùng lại sách của anh/chị, mà chỉ biết chạy theo sự thay đổi của các bộ, ngành, làm lãng phí nguồn SGK rất lớn.

z3489044814656_2ae192818ee445e487119d82f76e8752.jpg
1 bộ sách giáo khoa theo chương trình mới có giá 200.000 - 300.000 đồng

Sang năm học 2021 – 2022, câu chuyện SGK vẫn cứ “lùng bùng” không có lối thoát, khiến nhiều giáo viên, phụ huynh lẫn các đại biểu Quốc hội bức xúc, ý kiến tại nghị trường Quốc hội những ngày qua. Đặc biệt, nhiều đại biểu tỏ vẻ không đồng tình khi giá SGK quá cao so với mặt bằng chung và không thể tái sử dụng. Giá sách như vậy trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo. So với bộ sách cũ, giá thành dao động từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng. Còn giá bộ sách mới dao động 200.000 - 300.000 đồng. Tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích rằng, nguyên nhân khiến giá sách mới tăng cao là do có một hệ thống biên soạn mới, theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách và các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Tuy nhiên, với chủ trương xã hội hóa, các nhà xuất bản tự bỏ tiền để mời hội đồng biên soạn, sau đó Bộ GD&ĐT thẩm định và cho phép lưu hành trong nhà trường. Con đường khá lắt léo của SGK đã hình thành một thị trường không ít thị phi. Chưa kể, đa số người dân có mức sống trung bình đang gặp rất nhiều khó khăn qua 2 năm dịch, nhiều người còn chật vật chạy ăn từng bữa, nên việc 1 bộ SGK tăng thêm vài chục hay vài trăm ngàn đồng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động nghèo. Bởi, con cái đi học không phải chỉ lo SGK, mà phụ huynh phải lo chi phí đồng phục, đồ dùng học tập, cùng nhiều khoản đóng góp khác từ bắt buộc đến tự nguyện: bảo hiểm y tế, quỹ lớp… Và đối với những gia đình đông con thì chi phí này không hề nhỏ.

Tại diễn đàn Quốc hội đã có nhiều ý kiến khá gay gắt về SGK. Trong đó, có đại biểu đặt câu hỏi: “Liệu có “vụ Việt Á” trong lựa chọn SGK hay không?”. Hiện tại, đã có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng ấn hành SGK, nghĩa là thị trường SGK được xác nhận có giá trị như một miếng bánh ngon. Và việc xã hội hóa SGK có cải thiện chất lượng dạy và học hay không thì chưa được các bộ, ngành trả lời thẳng thắn, ngoài lời phân bua của lãnh đạo ngành giáo dục là giá sách cao do được in giấy đẹp, khổ to.

Một tin vui cho phụ huynh khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đại ý chỉ thị nói rằng, sẽ hạn chế sách tham khảo, và tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập; không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền. Yêu cầu nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt, tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành... Đồng thời, báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản…

Chưa biết kết quả SGK năm học tới 2022 – 2023 được cải thiện như thế nào, nhưng chỉ thị trên phần nào làm “vui lòng” phụ huynh và mong rằng những năm học tới, sẽ không còn tình trạng học sinh không thể đến trường vì những khó khăn về kinh tế, không có tiền mua SGK, đồ dùng học tập…

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Học môn toán ở bộ sách Chân trời sáng tạo: Tạo hứng thú cho học sinh
Học sinh lớp 2 tại tỉnh Bình Thuận hiện học chung bộ sách Chân trời sáng tạo. Là giáo viên đang dạy khối 2, năm đầu tiên thực hiện việc học sách mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, không chỉ bản thân người viết, nhiều đồng nghiệp của tôi hiện dạy học khối lớp này cũng đều có chung một nhận xét chương trình môn toán lớp 2 trong bộ sách Chân trời sáng tạo vừa sức với học sinh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghe và thấy: Chuyện sách giáo khoa