Theo dõi trên

Bút mực thời gian

23/06/2023, 05:42

Sắc màu bút mực đối với học trò và thầy cô giáo có nhiều cung bậc ý nghĩa khác nhau, để lại trong ký ức những kỷ niệm một thời khó quên.

Mực tím học trò

Thời chúng tôi đi học, thường sử dụng hai màu mực để viết: Xanh đậm và tím. Mực người ta bán ngoài tiệm từng viên – có nơi gọi là viên phẩm, hình vuông, nhỏ bằng hạt đậu phộng, mua về hòa trong một chiếc bình nhỏ có nắp vặn kín. Khi đến lớp, trên bàn học, người ta thiết kế những lỗ tròn cho học sinh đặt bình mực vào, để khi mở nắp chấm bút viết bài không bị nghiêng đổ. Điều đó giúp mỗi học sinh thêm tính cẩn trọng. Hết giờ học cũng như hết buổi học, nắp bình mực lại vặn chặt, bỏ vào cặp hoặc xách trên tay mang về. Hồi ấy nhiều học sinh phổ thông sử dụng mực màu tím. Màu mực tạo nên ấn tượng khó phai để cho thi sĩ đưa vào những trang thơ: “Mực tím phai rồi anh vẫn nhớ/ Mùa hoa điệp nở, mộng ngày xanh”, “Tôi đã tương tư màu mực tím/ Từ ngày mới viết chữ A, B” (thivien.net/ Kiên-Gian), nó tạo cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác, có khi đó là ký ức về những bức thư tình lén lút trao nhau, bức thư bỏ trong hộc bàn, trong sổ đầu bài, ghi dấu một thời mộng mơ đáng mến: “Trang thư xanh, em lén trao anh. Viết bằng mực tím, tím bông hoa cà”, “Mà ngày xưa em từng mơ ước, ngày hợp hôn anh kết hoa để tặng em” (Anh Việt Thu – Trang thư xanh - www.google.com.vn). “Ước gì tôi có thể ôm hết những nụ cười/ Ước gì tôi có đủ can đảm gửi tới một người/ Bài thơ màu mực tím của trái tim lần đầu tiên biết yêu”. (Bài thơ Màu Mực Tím Beat - Miu Lê). Cái màu mực tím giờ đây chỉ còn trong ký ức của những thế hệ tóc đã ngả màu sương. Những năm sau này cảnh học sinh mang từng lọ mực đến lớp để viết bài không còn nữa. Kỹ thuật công nghệ đã hỗ trợ làm nên những cây bút máy, bút bi tinh xảo, áo trắng đến trường không lo vấy mực. Những trang thư xanh viết bằng mực tím chỉ còn trên câu hát, lời ca. Các em thông tin nhắn gửi cho nhau cảm xúc trái tim mình bằng zalo, messenger, dẫn người đọc, người xem đi vào thế giới mơ hồ huyền ảo.

but-muc.jpg
Ảnh minh họa.

Mực đỏ cho thầy

Ở đây tôi lại ấn tượng những cây bút màu mực đỏ của thầy cô giáo. Cây bút với màu mực ấy trên tay thầy cô nó quyết định tạo nên biết bao vấn đề về niềm vui nỗi buồn với bao thế hệ học sinh. Đó là màu mực để chấm bài, ghi lời phê, cho con điểm số khi học sinh làm bài tập ở lớp, làm bài trong các kỳ thi. Việc dùng mực khác màu mà đặc biệt là màu đỏ để chấm bài đã có từ xa xưa. Thời phong kiến, sĩ tử đi thi làm bài viết bằng mực đen (gọi mực xạ), còn chấm thi, “mỗi vị dùng một màu mực khác nhau được quy định để phân biệt. Quan Sơ khảo dùng màu đỏ nhạt, Phúc khảo dùng màu xanh lơ, Giám khảo dùng mực tím, Chủ khảo dùng màu đỏ son”. (theo chimvie3. free). Cái màu đỏ ấy nó tạo nên niềm vui nỗi buồn, bởi nó quyết định số phận cuộc đời của mỗi học trò, đậu hay rớt. Nếu cây bút với màu mực đỏ ở trong tay những giám khảo có năng lực, có trình độ cao về chuyên môn thì việc quyết định niềm vui, nỗi buồn trên bài làm cho mỗi thí sinh là chính xác. Niềm vui chỉ đem lại cho những người chăm chỉ học hành, những trí tuệ thông minh, những bài làm tốt. Còn ngược lại, màu đỏ cũng phán quyết một cách sòng phẳng gieo xuống nỗi buồn cho những học trò biếng nhác, làm bài kém. Tuy nhiên, cái màu mực đỏ ấy nhiều khi cũng làm nên những tội lỗi nếu ở trong tay những giám khảo không có năng lực, trình độ chuyên môn kém, hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, không có lương tâm. Xưa kia cụ Tú Xương đã từng than thở: “Văn chương đâu phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu”. Ấy là có những bài làm tốt cho điểm kém, hoặc những bài làm kém lại cho điểm cao. Điều đó đã từng xảy ra trong các kỳ thi từ thời xa xưa cho đến bây giờ, dẫn đến hậu quả, có thí sinh rớt oan mà cũng có thí sinh đậu oan. Nên mới có câu học tài thi phận!

Nói đến bút đỏ, tôi lại nhớ chính mình một thời dùng nó. Hồi tôi chưa hưu, thường tham gia làm giám khảo trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Ngồi bên dưới, thấy giáo viên giảng bài đi lên đi xuống xem vở học sinh, rồi đến sát chỗ tôi ngồi, nhất là quý cô. Khi góp ý, tôi khen phong cách sư phạm, bao quát lớp, tỏ ra quan tâm, gần gũi, thân thiện với học trò. Nhưng sau này tôi mới biết, họ đặt cho tôi biệt danh: ông bút xanh bút đỏ. Bởi vì, khi dự giờ, tôi sử dụng 2 cây bút, một xanh, một đỏ. Khi dùng bút đỏ là để ghi chú những sai sót nào đó về nội dung bài giảng. Giáo viên phát hiện ra điều đó, nên mỗi lần thấy tôi rút cây bút đỏ ra là họ quan sát lại nội dung viết trên bảng xem có gì sai sót không, rồi giả vờ xuống quan sát vở học trò, nhưng mục đích chính là nhìn lướt qua chữ đỏ tôi ghi những gì trong cuốn sổ để kịp thời đối phó. Giờ nhắc lại bút đỏ bút xanh để nhớ một thời cùng thầy cô vui buồn trên bục giảng.

Trở lại sắc màu bút mực, những ngày đầu hè này gắn với những kỳ thi, nhất là giáo viên ngữ văn trong kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, chấm bài thủ công bằng bút đỏ, mong rằng cái màu đỏ ấy không làm nên oan nghiệt trên bài viết của học trò.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Học kỳ trong Quân đội: “Để chúng con thêm trưởng thành”
Rèn luyện kỷ luật trong quân ngũ, hành trình về nguồn, học võ, viết thư tay gửi gắm tình cảm yêu thương về gia đình… là những trải nghiệm thú vị của 76 chiến sĩ nhí trong 6 ngày tham gia chương “Học kỳ trong Quân đội” năm 2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bút mực thời gian