Theo dõi trên

Cách đưa dân vào vai trò chủ thể ở Đức Linh

27/12/2021, 06:07

BT- Với người dân ở Đức Linh, vốn có nguyên quán từ nhiều vùng khác nhau trên cả nước nên câu chuyện am hiểu tập quán, suy nghĩ, ước muốn của người dân rất quan trọng. Nhờ phát huy điều đó mà Đức Linh đã làm tốt việc đưa người dân vào vai trò chủ thể…

u-1-.jpg
Đường giao thông ở xã Nam Chính, Đức Linh. Ảnh: N.Lân

3 điểm sáng

Chuyện số tiền phải đóng của các tiểu thương khi công trình chợ đã xong cao gấp 3-4 lần so với số tiền giao kèo ban đầu đã khiến 1 công trình chợ cấp xã ở huyện T. trở nên ồn ào trong tháng 11/2021. Từ đây khiến nhiều người nghĩ đến hành trình xây dựng lại các chợ ở những xã, thị trấn của huyện Đức Linh, vì tất cả mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ, dù cũng huy động tiền từ tiểu thương trong chợ. Đặc biệt, tất cả các chợ mới xây này đều đạt chuẩn của chợ xã nông thôn mới. Dù được xây dựng cách đây 2-3 năm nhưng nhiều chợ có kinh phí xây dựng lên đến chục tỷ đồng, như chợ thị trấn Võ Xu đến 15 tỷ đồng, chợ xã Trà Tân 6 tỷ đồng. Và ngoài 2 thị trấn, mỗi nơi có 1 chợ, vì dân cư quây quần thì còn lại các xã trong huyện, vì địa bàn rộng, trải dài theo tuyến 766 nên xã nào cũng có 2 chợ. Chợ sáng đông đúc thường nhóm ở chợ lớn, tức chợ nông thôn mới, còn chợ nhỏ hơn thường nhóm vào buổi chiều.

Theo Phòng Kinh tế hạ tầng Đức Linh, các chợ được xây dựng đều từ vốn đóng góp trong dân. Có một số chợ, lúc ban đầu đóng góp, có tiểu thương cũng chưa đồng tình. Nhưng sau khi được chính quyền vận động, phân tích thiệt hơn, thì sau đó đều thông suốt và việc xây dựng chợ triển khai theo đúng kế hoạch. Có những tiểu thương đóng góp xây dựng chợ từ vị trí ki ốt sẽ kinh doanh từ khoảng 30 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng. Điều đáng nói là cách thức dân tự xây dựng chợ đã lan tỏa và đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đều có chợ đạt chuẩn, tiểu thương kinh doanh mua bán tiện lợi, người dân đi chợ cũng thuận tiện.

Nếu đóng góp cùng xây dựng chợ, vì mục đích kinh doanh đem lại lợi nhuận, tự giải quyết công ăn việc làm cho chính mình có gì đó như là đương nhiên thì việc xây dựng, tu bổ, xây dựng các cơ sở hạ tầng văn hóa ở các thôn, xã, phố thị trong huyện chứng minh rõ hơn sự cố kết cộng đồng cùng phát triển hơn nữa ở đây. Ví dụ như xã Trà Tân, từ chỗ chỉ có 2 nhà văn hóa thôn, bây giờ đã có 4 nhà văn hóa thôn. Tất cả nhờ dân hiến đất, rồi đóng góp 50% kinh phí cùng với 50% kinh phí nhà nước hỗ trợ để xây dựng nên. Còn ở các xã, thị trấn khác, nơi thì đóng góp tiền láng cái sân nhà văn hóa thôn để thuận tiện cho những lúc họp hành, nơi thì góp tiền sửa sang lại sân đá bóng tự tạo để chiều chiều thanh thiếu niên vui chơi… Sự chung sức đó cũng lan tỏa tương tự như phong trào làm giao thông nông thôn vốn đã trở thành điểm sáng cùng với thành quả của xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn lẫn nông thôn mới nâng cao ở đây.

6 điều của dân

Điều đáng nói, Đức Linh đã làm thế nào để có được kết quả mà dấu ấn chung sức của người dân thể hiện rõ trong từng công trình lớn lẫn nhỏ như thế. Ông Nguyễn Văn Húy, Bí thư huyện Đức Linh cho biết, thật ra chỉ là khi phát động bất cứ phong trào nào, Huyện ủy đều bắt đầu từ cơ sở trước và công việc trước tiên là làm công tác dân vận. Trong thời gian sớm, nhận phản hồi dân đã hiểu, dân đồng tình thì cứ thế triển khai thuận lợi. Qua đó, khẳng định vai trò từ cấp ủy, từ người đứng đầu có sát dân, hiểu dân không, có cách nói như thế nào để dân chịu nghe và ủng hộ thực hiện. Nhưng để có kết quả đó, cán bộ phải am hiểu về chương trình, định ra cách triển khai thực hiện khoa học, phù hợp trong huy động nhân lực, vật lực và nhất là phải nắm bắt tập quán, suy nghĩ của người dân từng vùng để có thể kêu gọi người dân cùng tham gia, mà không có bất cứ ý kiến ngáng trở nào.

chnl-.jpg
Chợ Nam Chính, Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Ông Húy cũng phân tích thêm, với người dân ở Đức Linh, vốn có nguyên quán từ nhiều vùng khác nhau trên cả nước nên câu chuyện am hiểu tập quán, suy nghĩ, ước muốn của người dân rất quan trọng. Nhờ phát huy điều đó mà Đức Linh đã làm tốt việc đưa người dân vào vai trò chủ thể của xây dựng nông thôn mới nói chung và từng công trình cụ thể nói riêng. Cũng từ đây đã phát huy sức mạnh to lớn trong dân mà thực tế đã ghi nhận rất rõ qua chuyện đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân.

Vai trò chủ thể của người dân đã được đúc kết qua phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thấy rõ qua các công trình được xây dựng ở Đức Linh. Như xây dựng chợ, chính các tiểu thương tự chọn thiết kế chợ như thế nào, họ có thể tính toán được chi phí xây kiot của riêng mình, tự giám sát đơn vị thi công xây kiểu cách ra sao, chất lượng không. Còn chính quyền xã chỉ làm những công việc phụ giúp cho công trình xuất hiện đúng quy định. Hay việc xây dựng giao thông nông thôn cũng thế. Tai mắt người dân lẫn sự đóng góp kinh phí 35% cùng với 65% của Nhà nước hỗ trợ có thể giúp các công trình thi công đạt chất lượng và lại vừa ý người dân. Tương tự, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng văn hóa ở các xã, thị trấn thì việc dân ở vai trò chủ thể càng đậm nét. Với 6 điều của dân ấy cũng là thể hiện cách làm dân chủ nên tạo ra sự đồng thuận trong dân. Qua đó, cũng khẳng định cách đưa người dân vào vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở Đức Linh đã phát huy rõ hiệu quả.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đức Linh: Lúng túng trong triển khai Nghị quyết 68
BT- Từ kết quả giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Qua giám sát của tỉnh tại các địa phương triển khai, thực hiện, huyện Đức Linh đã có nhiều kiến nghị.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách đưa dân vào vai trò chủ thể ở Đức Linh