Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25-8-1945. Ảnh IT |
Thời cơ trong cách mạng tháng Tám năm 1945 chỉ xuất hiện trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15/8) và kết thúc khi quân đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp ước Pot-xđam (ngày 5/9). Nghĩa là khi 16 ngàn quân Anh chưa vào miền Nam và 20 vạn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật. Quân Nhật bại trận mất tinh thần, hoang mang, rệu rã ngồi chờ quân đồng minh đến tước vũ khí. Còn chính quyền bù nhìn tay sai Trần Trọng Kim thì bỏ trốn hoặc đầu hàng cách mạng.
Nếu tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15/8, quân Nhật còn mạnh, nhân dân ta sẽ tổn hại nhiều xương máu. Nếu phát động tổng khởi nghĩa muộn hơn sau ngày 5/9, khi quân Anh - Tưởng đã vào Đông Dương thì trên đất nước ta có nhiều kẻ thù, cách mạng khó thành công được.
Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cụ thể trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3/1945 "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", và bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi lúc 23 giờ 30 ngày 13/8/1945 hiệu triệu toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp đó ngày 16/8/1945 Đại hội quốc dân Tân Trào thông qua "Lệnh tổng khởi nghĩa". Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta". Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đất nước ta ngày nay đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi chưa từng có, đồng thời cả những khó khăn, thách thức to lớn phải vượt qua. Thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau. Bài học về nắm bắt thời cơ của cách mạng tháng Tám 75 năm trước giúp chúng ta tận dụng được thời cơ, đẩy lùi được thách thức, phát huy hết nội lực của đất nước, tận dụng tối đa ngoại lực từ bên ngoài trên cơ sở hội nhập quốc tế, để phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc tổ quốc.
Đặng Dũng