
Cải cách hành chính được huyện Hàm Thuận Nam xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Điển hình như những kế hoạch, quyết định, công văn, quy định bộ chỉ số cải cách hành chính đối với cấp xã; quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC; quy định về khen thưởng thành tích trong công tác CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện; đẩy mạnh CCHC và cải cách chế độ công vụ công chức... Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, từng địa phương và bám sát với kế hoạch của huyện.

Đặc biệt, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện tích cực nghiên cứu, đề xuất giải pháp, mô hình, sáng kiến cách làm hay trong triển khai CCHC. Hiện nay có 2 giải pháp, sáng kiến về CCHC được áp dụng vào thực tiễn và nhân rộng trên toàn huyện. Đó là, sáng kiến “Ứng dụng mã QR-code trong tra cứu nộp thủ tục hành chính trực tuyến” và mô hình “Ngày Không hẹn – không thanh toán tiền mặt” Trong đó, mô hình “Ngày Không hẹn – không thanh toán tiền mặt” đã đạt được mục tiêu đề ra là cải thiện nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và thanh toán không tiền mặt của huyện, khắc phục các hạn chế công tác giải quyết TTHC nói riêng và nâng cao công tác CCHC nói chung; tạo sự chuyển biến trong cán bộ, công chức về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân trong giải quyết TTHC (giảm chi phí đi lại, chờ đợi), nâng cao chất lượng phục vụ và đem đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, mô hình được nhân rộng trên toàn huyện.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến người dân cũng được huyện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề có tính thời sự như giải quyết hồ sơ trực tuyến một phần và toàn trình, thanh toán trực tuyến, hóa đơn điện tử… Thông qua công tác tuyên truyền, đã nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân các nội dung, kết quả của CCHC. Đồng thời tạo khí thế phấn khởi thực hiện CCHC của cán bộ, công chức và người dân có điều kiện giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý, trong giai đoạn qua, bộ phận “một cửa” UBND huyện và UBND các xã, thị trấn được cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng đủ nhu cầu làm việc cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ thực tế giải quyết TTHC cho thấy, quá trình tiếp nhận hồ sơ, chuyển giao cho cơ quan chuyên môn giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, công dân tại bộ phận “một cửa” đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, công dân. Trong 5 năm, đã tiếp nhận 193.332 hồ sơ; đã giải quyết 189.704 hồ sơ (trong đó, đúng hạn 189.314 hồ sơ, tỷ lệ 99,79%; quá hạn 390 hồ sơ, tỷ lệ 0,21%). Ngoài ra, UBND huyện thường xuyên có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở, các phòng chuyên môn và UBND cấp xã ban hành văn bản xin lỗi theo quy định về hồ sơ trễ hẹn. Tình hình thực hiện chuyển đổi số trong xử lý công việc Hệ thống thư điện tử công vụ được 100% cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác sử dụng trong trao đổi công việc hiệu quả. UBND huyện ban hành quy chế thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong đó có sử dụng thư điện tử, chữ ký số, sử dụng văn bản điện tử qua hệ thống thư điện tử công vụ, trang giấy mời họp của tỉnh; triển khai giấy mời họp qua mạng và sử dụng email công vụ tại các cơ quan, đơn vị. Việc cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, các văn bản, quy định, thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến... được thực hiện kịp thời. 100% hồ sơ công việc tại các cơ quan chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng...
Gặt hái được những thành quả trên, UBND huyện Hàm Thuận Nam cho rằng, địa phương đã tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác cải cách hành chính; xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện vụ cải cách hành chính. Ngoài ra, địa phương bảo đảm sự nhất quán, quyết liệt, liên tục trong triển khai cải cách hành chính với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên tổ chức đối với trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước để khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong công tác CCHC. Nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật; chấn chỉnh, phê bình cá nhân, tổ chức chưa làm tốt, hiệu quả thấp.