Trưa ngày 30/4/1975, chúng tôi nghe tin thành phố Sài Gòn được giải phóng, lúc này từng đoàn người dân Huế hò reo vui mừng cùng với những lá cờ Tổ quốc được tung bay dọc cả đường phố Lê Lợi, chúng tôi cũng hòa vui chung trong đoàn người đó. Nhưng lúc bấy giờ, tùy theo tâm trạng của từng người, của tuổi trẻ như chúng tôi cũng bắt đầu có những ưu tư: “Những vui mừng vì đất nước đã được thống nhất, chiến tranh mấy chục năm qua đã chấm dứt... nhưng cũng có những nỗi âu lo về việc học, về tương lai!”. Nhìn ra bầu trời trong xanh, những cánh phượng hồng đã khoe sắc bên dòng sông Hương, hình như đã báo hiệu cho chúng tôi những dấu hiệu tốt lành, vì hôm nay là một ngày đặc biệt của một mùa hè có nhiều ý nghĩa nhất trong cuộc đời của lứa tuổi thanh xuân.
Thế rồi thời gian cũng dần trôi, tôi đã được nhận quyết định về công tác giảng dạy ở tỉnh Thuận Hải (sau này tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận), và về với ngôi trường Vừa Học Vừa Làm Hàm Thuận (huyện Hàm Thuận Bắc hiện nay).Những tháng ngày công tác ở đây, những kỷ niệm buổi ban đầu giảng dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đã có những xao xuyến và ngọt ngào, đến độ hiện nay đã bước vào lứa tuổi xưa nay hiếm cũng vẫn nhớ mãi và rạo rực. Hàng năm đến ngày 30/4 nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm là mỗi lần có những cảm xúc trào dâng và nhớ mãi những ngày ở Huế qua những bài phát biểu của thầy hiệu trưởng nói về ý nghĩa của ngày lễ…
Những lần tôi đọc lại những bài báo, những dòng thơ viết về ngày 30/4 của các nhà thơ người lính tôi cảm thấy bồi hồi xúc động. Nhà báo Nguyễn Ngọc Phú đã từng tâm sự trong bài viết: “Những vần thơ viết về ngày 30/4 lịch sử, của Báo điện tử Tổ quốc”: “... Đường đến Sài Gòn ba mươi tháng tư qua bao nhiêu cung đường, qua bao giới hạn, qua bao địa hình, qua bao số phận. Và thơ – chính là những va chấn tâm hồn ghi lại trung thực nhất những khoảnh khắc bất chợt, những lan tỏa bất ngờ, những cung bậc thiết tha... Khi là một tiếng reo vui, khi là một quặn thắt nén lòng, khi là những rưng rưng trong nụ cười và nước mắt... Các nhà thơ những người thư ký tâm hồn của thời đại đã bằng chính cuộc đời mình đo cuộc hành trình trên dây thép gai để cùng dân tộc đi đến ngày toàn thắng...”. Đúng là ngày 30/4 là một dấu mốc quan trọng, một điểm tựa tinh thần lớn lao, một bệ phóng cho tương lai. Đó là ngày mà chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ, non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải. Nghĩ về ngày chiến thắng, chúng ta càng không quên công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên suốt chặng trường chinh của dân tộc, không thể quên những gia đình có công với nước, với dân. Đọc lại những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mà nghẹn thắt trong ngày vui chiến thắng: “Nếu hôm nay tất cả về đông đủ - Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn”... “Tên tuổi chúng tôi rải rác khắp rừng cây – Rải rác dòng tên nơi đèo cao vực thẳm – Người hy sinh và người còn sống – Cũng đứng trong đội ngũ sư đoàn...”.
Những ngày cuối tháng 4/2024, và đúng 49 năm (30/4/1975 - 30/4/2024), kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền Bắc -Nam, thành phố Phan Thiết rộn ràng những sắc màu tươi thắm để đón chào những du khách từ các nơi trong cả nước đến thưởng ngoạn một điểm du lịch hấp dẫn bên biển xanh, cát trắng, nắng vàng với một kỳ nghỉ tuyệt vời, và có lẽ sẽ cùng chúng tôi luôn tự hào cũng như không bao giờ quên được chiến tích hào hùng ngày 30/4/1975 lịch sử.
Chiến tranh đã lùi xa, lớp bụi thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ trong cuộc sống, nhưng những cống hiến, hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước sẽ vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Giờ đây mỗi sớm mai thức dậy, được chào đón ngày mới an lành, hạnh phúc, chúng ta càng thấm thía giá trị cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.