Ngay cả cán bộ liêm chính, dám nghĩ dám làm, dám đột phá trước kia, nay cũng có dấu hiệu nhiễm “bệnh sợ trách nhiệm”. Hậu quả rõ ràng nhất là trong ngành y tế, khi hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm, trang thiết bị y tế bị đình trệ. Nhiều bệnh viện thiếu thuốc men, vật tư y tế để phục vụ người bệnh.
“Vấn đề cuối tuần” kỳ này lại bàn luận về dạng cán bộ khác: “Cán bộ chưa biết sợ”. Tuần qua, tại hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (Thứ trưởng Bộ Công an) phát biểu: “Vụ Việt Á là điển hình cho thấy cán bộ chưa biết sợ”. Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng: Trong 10 năm qua đã khởi tố trên 2.600 vụ, 5.800 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Điển hình gần đây nhất là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng chính sách phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi… Các vụ cộm cán như: Vụ Việt Á, vụ lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi, vụ Tân Hoàng Minh, FLC…
Tuy nhiên, Trung tướng Ngọc cảnh báo nguy cơ tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều “đối tượng chưa biết sợ”. Ông chứng minh: Tháng 4/2020 khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Việt Nam, đã xử lý nghiêm giám đốc CDC Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, nhằm cảnh tỉnh, răn đe. Tuy nhiên, vừa qua vẫn phải xử lý vụ Việt Á, khởi tố, bắt giam hàng loạt giám đốc CDC các tỉnh, thành lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, thậm chí cả cấp bộ trưởng, thứ trưởng, tướng tá học viện quân y (liên quan vụ Việt Á, khoảng 60 cán bộ đã bị khởi tố, bắt giam, nhưng danh sách “cán bộ chưa biết sợ” vẫn còn nữa - NV). Thứ trưởng Bộ Công an kết luận: “Đây là việc chưa biết sợ của nhóm cán bộ”!
Cũng tại hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, ông Lê Minh Trí (Viện trưởng Viện KSNDTC) cho rằng: Chúng ta vừa phải xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực để răn đe, giáo dục, vừa phải ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, nhất là các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực, nhằm bịt các lỗ hổng để không thể lợi dụng được. Ông phân tích: “Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý bảo đảm an toàn, thì người tốt sẽ tâm lý, lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thực tế cố ý làm trái và năng động sáng tạo, hành vi giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả mà thôi”.
Cán bộ sợ trách nhiệm tới mức không dám làm việc vì “làm gì cũng sợ sai” thì thật không ổn. Ý Đảng và lòng dân đều mong muốn đất nước có đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Ngược lại, cán bộ thoái hóa, biến chất đến mức “không biết sợ”, “ăn không từ thứ gì”, thậm chí lợi dụng cả dịch bệnh để trục lợi trên nỗi đau thương, thống khổ của đồng bào mình, thì thật không còn gì để nói. Họ đều là những người có trình độ học vấn cao, mức sống khá giả trong xã hội, nên đối với loại “cán bộ không biết sợ” này chỉ có một loại thuốc đặc trị, như Tổng Bí thư nói, đó là phải có một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “cán bộ không dám tham nhũng”. Tức là làm cho cán bộ biết sợ mà không dám vi phạm, biết sợ mà giữ mình khi nghĩ tới cái giá đắt phải trả nếu sai phạm.