Theo dõi trên

Cần có biện pháp mạnh để thu hồi tiền chậm đóng BHXH kéo dài

26/07/2023, 06:31

Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) và hệ lụy đến cuộc sống của gia đình họ.

Thực trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH thời gian qua được lý giải có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động (SDLĐ) chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước; nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động, phá sản, chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn...

Các công ty may mặc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn sau đại dịch

Tại Bình Thuận, đến đầu tháng 7/2023, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu là 148.743 triệu đồng, tỷ lệ chậm đóng chiếm 4,96%; số tiền chậm đóng tăng 11.728 triệu đồng, tương ứng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các đơn vị có tỷ lệ chậm đóng phải thu cao hơn mức phấn đấu như: BHXH Hàm Tân 10,81% (giao 6,03%), BHXH Bắc Bình 5,07% (giao 3,89%), Phòng Quản lý thu sổ, thẻ 7,79% (giao 5,87%), BHXH La Gi 3,89% (giao 3,13%). Số tiền chậm đóng tăng là do: Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến hải sản, xây dựng, chế biến gỗ… chưa khắc phục được số tiền chậm đóng phát sinh trước và trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, nay tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên để tiền chậm đóng kéo dài (trong đó, chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 87.500 triệu đồng, chiếm 58,8% trên tổng số tiền chậm đóng). Đáng lưu ý là hiện có 146 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động với số tiền chậm đóng 13.176 triệu đồng, chiếm 8,9% tổng số tiền chậm đóng, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn xử lý của cấp có thẩm quyền. Qua rà soát, còn có 85 đơn vị ngừng giao dịch với cơ quan BHXH, có số tiền chậm đóng 2.650 triệu đồng, cơ quan BHXH tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng rà soát và lập hồ sơ đơn vị ngừng hoạt động theo quy định. Một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, chưa kịp thời đóng tiền phát sinh hàng tháng; nhiều doanh nghiệp chậm đóng với số tiền lớn và kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội của địa phương như: Công ty TNHH Thanh Nguyên (chậm đóng 6.905 triệu đồng, thời gian chậm 52 tháng, cơ quan BHXH đã lập hồ sơ kiến nghị Công an tỉnh điều tra, xử lý); Công ty cổ phần Giao thông Bình Thuận (chậm đóng 3.987 triệu đồng, thời gian chậm 38 tháng); Cty TNHH Phân bón Hữu cơ Greenfield (chậm đóng 5.793 triệu đồng, thời gian chậm 64 tháng); Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Kỳ Lân (chậm đóng 8.939 triệu đồng, thời gian chậm 33 tháng); CN Bình Thuận - Công ty TNHH INNOLUX Footwear Việt Nam (chậm đóng 6.713 triệu đồng, thời gian chậm 16 tháng); Công ty CP khai thác khoáng sản và sản xuất VLXD Trung Nguyên (chậm đóng 5.594 triệu đồng, thời gian chậm 19 tháng)… Các đơn vị này đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Để thu hồi số tiền chậm đóng nói trên, ngành BHXH đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức đôn đốc thu tiền chậm đóng trực tiếp tại 587 đơn vị, số tiền thu được sau đôn đốc là 55.450 triệu đồng; thực hiện hậu kiểm tại 267 đơn vị SDLĐ; thanh tra đột xuất tại 11 đơn vị chậm đóng kéo dài. Qua thanh tra các đơn vị đã khắc phục số tiền 3.793 triệu đồng chậm đóng (đạt tỷ lệ 58,6%). Đối với các đơn vị nợ kéo dài khó thu, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như: Bổ sung quy định làm rõ khái niệm “trốn đóng BHXH”; quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng BHXH; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; quyết định hoãn xuất cảnh; khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của người SDLĐ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

N.HOÀNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mệnh giá thẻ BHYT tăng, quyền lợi tăng theo
Mặc dù mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tăng theo mức lương cơ sở, nhưng quyền lợi tăng theo. Cùng với đó, người tham gia BHYT để được chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật.
Nổi bật
Nói chuyện chuyên đề về nhân tố hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
BTO-Chiều 25/11, tại Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận phối hợp với Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ và Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết) tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề “Truyền thống quê hương, gia đình nhân tố hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có biện pháp mạnh để thu hồi tiền chậm đóng BHXH kéo dài