Theo dõi trên

Cần có chính sách hỗ trợ đối với lao động về nước trước thời hạn

09/11/2024, 16:37

BTO-Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, sáng nay 9/11, Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại tổ 15. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chủ trì buổi thảo luận.

64b1c6d97296c9c89087.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chủ trì buổi thảo luận sáng nay 9/11.

Tham gia góp ý, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội. Thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đã góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Bày tỏ băn khoăn liên quan đến đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm; tại điểm a khoản 2 Điều 8 có nêu: “…, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động…”, theo quy định này thì hộ kinh doanh sử dụng bao nhiêu lao động thì được xem là nhiều lao động? Để tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, đại biểu đề nghị lượng hóa quy định trên.

e005d9636d2cd6728f3d.jpg
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh tham gia ý kiến dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Tại Điều 11, Điều 12 về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đại biểu Bố Thị Xuân Linh bày tỏ đồng tình ủng hộ và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định mới vào dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu thấy rằng, thực tế có một số trường hợp người lao động vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, bất khả kháng, như: đại dịch, động đất, khủng bố, chiến tranh… người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn, dẫn đến khi về nước không có việc làm, không có thu nhập để trả nợ cho khoản vay trước đó cho các tổ chức tín dụng, mà các khoản vay này thường rất lớn (từ vài trăm triệu đồng trở lên); trong khi đó, người lao động thuộc đối tượng này chủ yếu thuộc đối tượng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định ở trong nước mới tìm cách ra nước ngoài để lao động, tìm cơ hội thoát nghèo.

Do vậy, để giải quyết thực trạng trên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản quy định theo hướng: đối với trường hợp người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và về nước trước thời hạn thì cần có chính sách hỗ trợ như: giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… đối với các khoản vay trước đó để đi lao động ở nước ngoài; đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong nước để có nguồn thu nhập trả nợ. Có như vậy, chính sách Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật mới thật sự đi vào cuộc sống.

Tham gia ý kiến tại Điều 18 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Khoản 2 Điều 18 quy định: đối tượng được hỗ trợ là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người có đất thu hồi; thân nhân của người có công với cách mạng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ: “a) Học nghề, ngoại ngữ; pháp luật của Việt Nam, hiểu biết phong tục tập quán và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động.”.

Tại Khoản 2 Điều 10 quy định: “Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc các trường hợp sau đây được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức lãi suất thấp hơn: “a) Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số; b) Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại xã phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) đặc biệt khó khăn, huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã không phải là xã đặc biệt khó khăn.”.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhận thấy rằng hai khoản nêu trên đều có nội dung quy định về đối tượng hỗ trợ, tuy nội dung hỗ trợ không giống nhau, nhưng theo đại biểu cần biên tập lại hai khoản này theo hướng đưa nội dung khoản 2 Điều 10 xuống Điều 18 dự thảo; đồng thời, biên tập lại nội dung hai khoản này theo hướng các đối tượng thuộc khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 18 đều được Nhà nước hỗ trợ các nội dung sau:“a) Học nghề, ngoại ngữ; pháp luật của Việt Nam, hiểu biết phong tục tập quán và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động. c) Được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức lãi suất thấp hơn so với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo.”.

Ngoài ra, đại biểu Bố Thị Xuân Linh còn băn khoăn về đối tượng là “người có đất thu hồi” cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 18 dự thảo, vì quy định của pháp luật về đất đai cũng đã quy định các chính sách để hỗ trợ “người bị thu hồi đất”, như: bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề, đào tạo việc làm… Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, cân nhắc kỹ để tránh trùng lắp, chồng chéo trong quá trình thực hiện chính sách. “Một điểm nữa mà tôi còn băn khoăn là về đối tượng vay vốn như: đối tượng người cao tuổi, thanh niên, người lao động ở nông thôn… đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các luật có liên quan để tránh trùng lắp, chồng chéo trong quá trình thực hiện chính sách”- đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu
BTO-Chiều nay 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 15.
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận viếng, thăm hỏi, động viên các gia đình chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ
Trong ngày 6/12, tỉnh Bình Thuận tổ chức 3 đoàn công tác do 3 đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đến viếng, thăm hỏi, động viên chia sẻ với các gia đình chiến sĩ Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Cùng đi có lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ban ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh và địa phương.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có chính sách hỗ trợ đối với lao động về nước trước thời hạn