Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ĐBQH tỉnh Phạm Thị Hồng Yến cho biết, hiện nay thế giới đang đối diện với khủng hoảng an ninh lương thực. Trong vòng chưa đầy 1 tuần (18 - 23/5), Liên Hợp Quốc đã tổ chức 3 cuộc họp về an ninh lương thực toàn cầu, trong đó có 2 cuộc họp được thảo luận bởi những cơ quan quyền lực nhất đó là Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong bối cảnh đó, đại biểu Yến đề nghị Bộ trưởng cho biết, chúng ta cần phải làm gì để không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn phát huy được vai trò Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu; cũng như để giúp cho người nông dân Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội xuất khẩu khi nhu cầu về thị trường thế giới đối với những sản phẩm nông sản và lương thực ngày càng được coi trọng và nâng cao. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về nông nghiệp nhiệt đới nhưng công nghệ về giống cây trồng của Việt Nam hiện vẫn còn chậm phát triển, lợi thế cạnh tranh nông sản trên thị trường thế giới còn yếu. Đại biểu Yến đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương đối với lĩnh vực này như thế nào?
Trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới. Do đó, tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Liên quan đến vấn đề về phát triển giống cây ăn quả, Bộ trưởng cho biết, điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta phù hợp cho việc phát triển sản xuất cây ăn quả. Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương. Tuy nhiên phần lớn diện tích cây ăn quả hiện tại là do người dân, hợp tác xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng trồng tập trung, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cây công nghiệp dài ngày, phổ biến nhất là trồng xen trong vườn cây cà phê nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các Viện nghiên cứu để nghiên cứu các giống cây ăn quả phong phú, hiệu suất cao.