Theo dõi trên

Cần sản phẩm chất lượng ở phiên chợ hàng Việt

24/11/2021, 08:11

BT- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trước là khơi gợi tinh thần Việt Nam, ủng hộ các doanh nghiệp trong nước và sau đó hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm Việt với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên đâu đó, trong suy nghĩ của người tiêu dùng vẫn còn sự thờ ơ giữa bộn bề sản phẩm…

Người tiêu dùng hứng thú với hàng Việt.

Thay đổi từ những phiên chợ

Trên thực tế, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa Việt.

Tánh Linh là huyện miền núi, nhưng đã mạnh dạn trong việc tận dụng mạng xã hội lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt thôn, bản, khu phố và trao đổi trên các trang mạng xã hội, như các nhóm Zalo, Facebook... để vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt. Cụ thể là người tiêu dùng tại địa phương, mang đến sự tin tưởng thay đổi ý thức của người dân trên địa bàn huyện.

Tánh Linh cũng là địa phương thường xuyên đưa hàng bình ổn giá về nông thôn từ năm 2020, phối hợp với chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty cổ phần thương mại Bình Thuận đã tổ chức bán hàng phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đa số người dân tại thôn Tà Pứa (xã Đức Phú), thôn 1 (xã Măng Tố) cũng dần quen với hàng hóa Việt từ sữa hộp các loại, dầu ăn các loại, mì tôm, nước suối, nước ngọt, bánh kẹo các loại, gas và các sản phẩm thuộc hàng thiết yếu khác... Theo ông Trương Duy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tánh Linh: Huyện thường xuyên phối hợp với nhiều đơn vị, trong đó có Trung tâm Xúc tiến thương mại Bình Thuận đưa những phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Tánh Linh.

Phiên chợ đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt của nhân dân xã Nghị Đức và các xã lân cận, người dân đã bắt đầu tin và “thiện cảm” hơn với hàng Việt. Ước tính, tại Tánh Linh có khoảng 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, còn có 15 HTX nông nghiệp, 2 Quỹ tín dụng nhân dân và 25 tổ hợp tác; có 10/12 xã có chợ phù hợp quy hoạch và được công nhận đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng đã phủ trên khắp địa bàn huyện miền núi ở Nghị Đức, Gia An, Măng Tố, Huy Khiêm, thị trấn Lạc Tánh như một minh chứng cho sự lớn mạnh của hàng Việt.

 Hàng kém chất lượng vẫn còn

Tuy nhiên, UBND huyện Tánh Linh cho rằng, thời gian qua sau những đợt thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn dưới nhiều hình thức. Ông Trương Duy Tuấn cho biết thêm: Qua kiểm tra 135 cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ bản họ chấp hành tốt các quy định trong kinh doanh, việc cung ứng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng đầu cơ, gom hàng dự trữ. Nhưng còn một số cơ sở vi phạm về nhãn mác hàng hóa và niêm yết giá, không có hóa đơn chứng từ... đã thu hồi 10 giấy chứng nhận kinh doanh.

Ông Trương Duy Tuấn nhấn mạnh: Từ cuộc vận động này các doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng đem lại cơ hội sản xuất - kinh doanh tại thị trường nội địa. Việc còn lại của các doanh nghiệp là sản phẩm, hàng hóa phải cải thiện về mẫu mã, chất lượng với công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cần thay đổi tâm lý thích hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, làm sao để người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt. “Nếu nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã nỗ lực tạo ra những sản phẩm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong huyện, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đó cũng là giải pháp quan trọng góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế của địa phương” – ông Tuấn cho biết.

Muốn hay không việc kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng phải được triệt tiêu, nhưng rõ ràng để hàng Việt chiếm vị trí trong lòng người tiêu dùng lại là vấn đề khác, khó khăn hơn. Một lo lắng của Ban chỉ đạo cuộc vận động chính là ở các phiên chợ, hội chợ tổ chức trên địa bàn huyện Tánh Linh, chất lượng một số sản phẩm hàng hóa vẫn còn là vấn đề cần được kiểm soát. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, chi phí đầu vào tăng cao, sức mua thị trường giảm sút dẫn đến đời sống của người lao động bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động nên kế hoạch đưa hàng Việt về nông thôn không thực hiện được, do vậy một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa để thực hiện hành vi gian lận thương mại, bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tình trạng tăng giá đã xuất hiện ở huyện miền núi.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sản phẩm chất lượng ở phiên chợ hàng Việt