Theo dõi trên

Cảnh báo sự gia tăng bệnh tay chân miệng

08/08/2023, 05:44

Thời gian học sinh và trẻ quay lại trường học đang đến gần, trùng với lúc cao điểm bệnh tay chân miệng (TCM) hàng năm. Và việc nâng cao nhận thức về phòng bệnh được xác định là nhiệm vụ cấp bách để kiểm soát sự gia tăng của các ca mắc mới.

Tăng sớm hơn so với mùa cao điểm

Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận ghi nhận 569 ca mắc TCM, trong đó có 2 ca tử vong tại La Gi. Các huyện, thị có số ca mắc cao gồm La Gi 138 ca, Hàm Thuận Nam 105 ca, Hàm Thuận Bắc 95 ca. Số ca mắc của 3 địa bàn này chiếm tỷ lệ 59,4% tổng số ca mắc toàn tỉnh. Đáng chú ý, số ca bệnh tăng nhanh vào tháng 6, 7/2023 dẫu rằng thời gian này chưa phải mùa cao điểm bệnh TCM. Song bệnh TCM lưu hành quanh năm; giai đoạn 2017-2021, bệnh này tăng cao vào mùa cao điểm ở khoảng tháng 8-10. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, bệnh có xu hướng tăng sớm hơn so với mùa cao điểm. Đó là thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Cùng thời gian trên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận 41 bệnh nhân thì có 3 ca chuyển viện. Riêng tháng 6, bệnh viện điều trị 32 ca, cao hơn nhiều so với các tháng trước đó. Trong đó, 28 ca độ 1, 2 ca độ 2A, 2 ca độ 2B2. La Gi là địa bàn có số ca mắc TCM cao nhất tỉnh với 138 ca. Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi đang tiếp nhận và điều trị 18 trẻ mắc bệnh thì có 5 trường hợp phải theo dõi chuyển độ. Một vài trường hợp qua xét nghiệm, ghi nhận sự xuất hiện của chủng EV71. Đây là chủng phổ biến qua kết quả phân lập vi rút tại La Gi hiện nay.

doan-giam-sat-lam-viec-ttyt-lagi.jpg
Đoàn giám sát Sở Y tế Bình Thuận làm việc với Trung tâm Y tế La Gi về phòng chống bệnh TCM

Mặc dù thời gian nghỉ hè đang vẫn còn diễn ra, nhưng trường, nhóm trẻ vẫn tổ chức hoạt động cho trẻ tham gia học hè. Cụ thể, tại La Gi, ổ dịch TCM không chỉ xuất hiện trong cộng đồng mà ngay cả trong các nhóm trẻ. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ cần phải tăng cường chặt chẽ hơn.

Không đến phòng khám tư khi trẻ mắc TCM

Thông qua khảo sát ở những gia đình có ca tử vong tại La Gi cho thấy, khi trẻ mắc bệnh, gia đình hoặc cha mẹ đưa trẻ đến phòng khám tư nhân. Sau đó, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện, thì trẻ đã trở nặng. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo các cha mẹ của trẻ phải lưu ý, khi trẻ có triệu chứng khởi phát đầu tiên là sốt cao, khó hạ nên đưa bé đến cơ sở y tế sớm để bác sĩ điều trị tránh trường hợp chuyển độ nhanh.

Theo các chuyên gia, chủng vi rút Enterovirus 71 (EV71) của bệnh TCM biểu hiện ở thần kinh dễ dẫn đến tử vong cao. Các biểu hiện ở thần kinh gồm giật mình, chới với; run chi, loạng choạng; một số biểu hiện tổn thương ở thân não như mạch nhanh, huyết áp cao, phù phổi; rối loạn vận mạch. Trong vòng 1 ngày, có trường hợp chuyển từ độ 1 sang độ 4. Bệnh TCM thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, nhưng chưa có vắc xin phòng bệnh. Nâng cao nhận thức về phòng bệnh được xác định là nhiệm vụ cấp bách để kiểm soát sự gia tăng của các ca mắc mới.

Thời gian học sinh và trẻ quay lại trường học đang đến gần, trùng với lúc cao điểm bệnh TCM hàng năm. Vì thế, phòng bệnh TCM vẫn dựa vào các biện pháp vệ sinh cá nhân để tránh lan truyền trực tiếp giữa các trẻ. Các gia đình có trẻ, các trường học, nhóm trẻ phải vệ sinh đồ chơi, bề mặt mà trẻ thường xuyên tiếp xúc. Các bậc cha mẹ, giáo viên, bảo mẫu ở trường và nhóm trẻ phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và cách ly để hạn chế sự lây lan. Đồng thời, tập cho trẻ những thói quen rửa tay thường xuyên.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ca thứ 2 tử vong do bệnh tay chân miệng ở La Gi
Trung tâm Y tế La Gi vừa cho biết: La Gi ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng tại xã Tân Tiến vào ngày 24/7/2023 từ hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo sự gia tăng bệnh tay chân miệng