Theo dõi trên

Cảnh báo thuốc “gia truyền” trên mạng xã hội

09/02/2023, 05:58

Mạng xã hội tràn ngập các loại thuốc “gia truyền” điều trị bệnh mãn tính, hiếm muộn… chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất lưu hành tại Việt Nam, bán với giá không “mềm”. Điều này gây tốn kém tiền và nguy hại đến sức khỏe con người nếu sử dụng.

Nhấp chuột, a lô tư vấn nhiệt tình

Trên mạng xã hội hiện nay như facebook, zalo, tiktok, youtube tràn ngập thông tin bán thuốc “đông y - gia truyền” chữa bệnh tiểu đường, thoái hóa khớp, vô sinh, hiếm muộn, u nang buồng trứng, đau dạ dày… Thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng nhưng cam kết là điều trị khỏi bệnh, hiệu quả ngay sau 1 - 2 liệu trình. Người dùng chỉ cần nhấp chuột nhắn tin, điện thoại alô được tư vấn nhiệt tình, giao thuốc tận nơi. Chẳng hạn, thuốc trị bệnh xương khớp quảng cáo trị bệnh triệt để, không cần mổ khớp, không cần đi viện; bệnh hiếm muộn chỉ cần uống 1 liệu trình sẽ mang thai, tăng cường sinh lực không cần làm thụ tinh ống nghiệm… Theo đó, giá cả khá đắt, dao động từ 800.000 đồng lên đến vài triệu đồng, tùy loại thuốc điều trị bệnh. Điều này gây tốn kém tiền bạc và nguy hại đến sức khỏe con người nếu sử dụng.

than-y.jpg

Thông qua lời quảng cáo trên Youtube về thuốc “gia truyền” bào chế từ thảo dược, trị khỏi bệnh tiểu đường, bà Lê Thị C. , 60 tuổi (Phan Thiết), mua 1 liệu trình với giá hơn 2 triệu đồng, uống khoảng 4 tuần. Bà C. chia sẻ: “Sau khi uống hết 1 liệu trình, cơ thể cảm thấy mệt mỏi hơn, chóng mặt nhiều hơn. Tôi phải đến bác sĩ để khám, kiểm tra lượng đường quá cao. Bác sĩ hỏi sao lại ngưng thuốc điều trị, nhưng tôi không dám nói thật chuyện uống thuốc gia truyền mua trên mạng xã hội. Trong khi đó, đến bệnh viện khám có thẻ bảo hiểm y tế, mỗi tháng tiền thuốc điều trị của tôi chỉ khoảng 200.000 đồng”.

Tương tự, trường hợp ông Nguyễn Văn K. 62 tuổi (Phan Thiết) bị đau nhức các khớp xương, cũng mua thuốc bào chế từ thảo dược quảng cáo trên Facebook, bệnh khỏi sau 2 liệu trình, uống 1 liệu trình có dấu hiệu giảm đau rõ rệt. Ông K. cho biết: “Mua 1 liệu trình trị giá 1,5 triệu đồng, thêm tiền ship 30.000 đồng. Tình trạng đau khớp cũng không giảm”.

Đấu tranh chống thuốc giả

Bộ Y tế nhận định: Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng danh hiệu “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính trên các mạng xã hội. Các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất lưu hành tại Việt Nam. Việc quảng cáo, sản xuất, mua bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược số 105/2016/QH13.

Thực hiện việc ngăn chặn, phòng ngừa quảng cáo, sản xuất, buôn bán các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Sở Y tế Bình Thuận yêu cầu thanh tra sở tăng cường thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; nếu phát hiện hành vi vi phạm tiến hành xử lý theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền và phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và báo cáo về Sở Y tế.

Sở Y tế Bình Thuận cho biết: Người bệnh tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, sẽ làm mức độ bệnh nhẹ chuyển sang nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đến khi trở nặng, người bệnh mới đến bệnh viện để điều trị. Điều này gây tổn hại sức khỏe cho bệnh nhân, nhiều tốn kém cho gia đình người bệnh, khó khăn công tác điều trị… Vì vậy, Sở Y tế Bình Thuận kêu gọi người dân khám điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế…; không mua thuốc, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên các trang mạng xã hội, mà hãy mua ở những nhà thuốc, quầy thuốc được cấp giấy phép. Đồng thời, phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng để kịp thời xử lý vi phạm.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thu hồi thuốc Levosum không đạt chất lượng
Sở Y tế Bình Thuận vừa ra văn bản yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế, công ty kinh doanh thuốc, nhà thuốc thu hồi thuốc Levosum do không đạt chất lượng, vi phạm mức độ 2.
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo thuốc “gia truyền” trên mạng xã hội