Theo dõi trên

Sức hút y tế vùng cao

11/01/2023, 09:47

Qua bao mùa xuân và thêm mùa xuân mới lại về, những người thầy thuốc, cộng tác viên y tế vẫn bám thôn, bám làng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Có bệnh là đến trạm

Đó là câu nói của K' Thị Huyên - người dân ở xã vùng cao Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) khi đưa con đến Phòng Khám đa khoa khu vực Đông Giang khám bệnh, do con bị ho, chảy nước mũi. Bởi chị không tin các cách chữa bệnh lúc trước là mời thầy mo cúng, bắt ma... Với lại, chị sinh bé tại trạm, được chăm sóc y tế từ khi mang thai cho đến lúc sinh và bé ít bệnh vặt hơn. Nhận thức của chị Huyên cũng là của nhiều người dân ở các xã vùng cao trong tỉnh. Hơn thế, các trạm y tế lại gần nhà nên không phải đi xa khám bệnh. Do đó, trẻ em, người già đều tìm đến bác sĩ, mỗi khi có dấu hiệu không khỏe.

tiem-ngua-cho-tre-em-vung-cao-phan-dung-tuy-phong-anh-n.-lan-2-.jpg
Tiêm ngừa cho trẻ em vùng cao xã Phan Dung (Tuy Phong) - Ảnh Ngọc Lân

Hiện tại các trạm y tế, phòng khám ở vùng cao đều có 100% bác sĩ, trực khám 24/24 giờ, thu hút trung bình mỗi ngày 50 - 100 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm phổi, bệnh tai - mũi - họng thông thường, cơ xương khớp thông thường, chăm sóc phục hồi chức năng cơ bản, khám thai… Nhìn chung, các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực ở vùng cao, vùng khó khăn phần lớn đều khang trang, thoáng mát, với đầy đủ các phòng chức năng cơ bản như phòng khám, phòng sanh, phòng tiêm ngừa, phòng lưu bệnh… Đi cùng là danh mục thuốc, đầu tư máy siêu âm, điện tim, đo đường huyết… Các y, bác sĩ, cộng tác viên y tế luôn được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong xã.

Nhờ thế, năm 2022 , có 99,9% phụ nữ có thai đều khám thai định kỳ, sinh tại cơ sở y tế, 100% trẻ em đều được tiêm vắc xin ngừa bệnh (bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi, lao…). Các bà mẹ biết cách cho trẻ ăn đủ các nhóm thực phẩm, gia đình ăn chín uống sôi góp phần giảm sâu tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và bệnh tiêu chảy. Nhiều xã vùng cao không ghi nhận ca mắc bệnh sốt rét. Các bệnh truyền nhiễm khác không xảy ra dịch lớn. Điều này minh chứng cho kết quả của sự nỗ lực của ngành y tế Bình Thuận suốt chặng đường dài trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao.

Tác động bằng nhiều cách

Nhớ lại thời điểm của 30 năm trước (những năm 1990), cơ sở vật chất của trạm y tế xã cũ kỹ; thiếu thuốc trang thiết bị y tế. Các xã vùng cao như La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc), Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam), Phan Dũng (Tuy Phong)… có nhiều khó khăn xen kẽ cùng lúc. Đặc biệt, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng “bụng ỏng mông teo” chiếm tỷ lệ từ 35% trở lên mỗi năm. Bệnh tiêu chảy do uống nước từ sông, suối mà không hề nấu chín; bệnh sốt rét do đi làm rẫy không ngủ mùng bị muỗi đốt, ghi nhận ở mức từ 2 - 3 con số mỗi năm. Khó khăn cộng thêm hủ tục như mời thầy mo về cúng để bắt “ma rừng” khi bệnh hoặc uống lá cây rừng, sản phụ sinh tại nhà nhờ mụ vườn… Vì vậy, nhiều trường hợp bệnh trở nặng dẫn đến tử vong không đáng có.

Trước những khó khăn trên, ngành y tế tỉnh phối hợp địa phương bằng tinh thần trách nhiệm, vận dụng linh hoạt các chính sách y tế để vận động, tuyên truyền đến người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số về điều trị bệnh bằng khoa học; tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ; cho trẻ uống vitamin A, thuốc tẩy giun sán; cấp mùng, kem xua muỗi, thuốc dự phòng điều trị bệnh sốt rét cho người dân khi đi rừng ngủ rẫy; cấp thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh… Bên cạnh đó, hệ thống loa truyền thanh phủ khắp xã tuyên truyền, thông báo các đợt tiêm vắc xin phòng bệnh; hướng dẫn cách vệ sinh môi trường tránh bệnh sốt rét, sốt xuất huyết; hướng dẫn cách ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh tránh bệnh tiêu chảy… Đặc biệt, các cộng tác viên y tế, cô đỡ thôn, bản được ví như “cánh tay nối dài” của ngành y tế, bám thôn không quản đường xa, đến từng gia đình mời tiêm chủng, hướng dẫn cách phòng bệnh, vận động sinh tại trạm…

Nhờ thực hiện đúng hướng dẫn của y tế, người dân ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thai nhi, bà mẹ sau sinh, trẻ em, người già mau khỏi bệnh. Vì vậy, mọi người ngày càng tin vào y tế. Nhiều người dân vùng cao chia sẻ: "Qua bao mùa xuân và thêm mùa xuân mới lại về, những người thầy thuốc, cộng tác viên y tế vẫn bám thôn, bám làng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chăm sóc sức khỏe cho người dân". Nhờ vậy, công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân vùng cao ngày càng chu đáo. Thế nên, người dân nơi đây gửi gắm tình cảm, lời cảm ơn, sự trân trọng đến tất cả y, bác sĩ.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phòng chống bệnh đậu mùa khỉ theo yêu cầu Bộ Y tế
BTO-Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ đảm bảo các nội dung yêu cầu của Bộ Y tế.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức hút y tế vùng cao