Theo dõi trên

Rực sáng đêm giao thừa

12/01/2023, 09:41

Giao thừa là thời khắc chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Từ bao đời nay, đón giao thừa đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt trên khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động dân gian vui tươi, đầy ý nghĩa.

Nếu như ở thị thành, tết đến xuân về mọi người có dịp được đắm chìm trong không khí nhộn nhịp của chợ đêm, được chiêm ngưỡng màn trình diễn đa sắc màu của pháo hoa vào thời khắc giao thừa, hay hòa cùng hình ảnh rực rỡ của những điệu múa, thanh âm rộn ràng của lời ca tiếng hát trong đêm nhạc mừng năm mới. Còn ở nông thôn, dù điều kiện đón giao thừa không bằng, song nhiều nơi cũng không kém phần hân hoan. Như ở huyện miền núi Tánh Linh, người dân có cách đón mừng năm mới theo cách rất riêng, rất đặc biệt: Đốt lửa phút giao thừa.

lua....jpg
Ngọn lửa đêm giao thừa tượng trưng cho may mắn, ấm áp trong năm mới.

Ông Nguyễn Hiệp, 71 tuổi, ở xã Đức Phú (Tánh Linh) cho hay, tục đốt lửa đêm giao thừa có từ lâu. Ban đầu, chỉ vài chục hộ, chủ yếu ở xã Đức Phú. Qua thời gian, nhiều hộ khác thấy có ý nghĩa nên cũng làm theo. Bây giờ cứ đúng thời khắc giao thừa, người dân các xã khu vực Bắc sông ở Tánh Linh sẽ đồng loạt đốt lửa đón mừng năm mới. Ánh sáng của ngọn lửa khi thắp lên hòa quyện cùng ánh điện của công trình ánh sáng an ninh làm rực sáng cả một vùng đất trời. Vì thế trong thời khắc giao thừa, 2 bên trục đường ĐT 717, đường liên thôn nơi đây luôn rực sáng ánh lửa.

img_20170127_234821.jpg
Thời khắc giao thừa, 2 bên trục đường ĐT 717 của huyện Tánh Linh luôn rực sáng ánh lửa.

Theo quan niệm của người dân địa phương, ngọn lửa đêm giao thừa có ý nghĩa xua đuổi điều không hay, đồng thời mang đến sự ấm áp, may mắn, tươi sáng hơn cho năm mới. Vì lẽ ấy, ngoài dọn dẹp nhà cửa, mua sắm hoa quả, bánh mứt để cùng nhau đón tết cổ truyền của dân tộc, thì việc chuẩn bị những khúc củi to, chất thành đống phía trước cổng nhà để đốt đón mừng năm mới, đã trở thành thói quen không thể thiếu. Đống củi được tạo thành từ nhiều loại cây khác nhau, chủ yếu là thân, cành của cây điều, cao su, vú sữa, mận, xoài… được xếp thành hình chóp, cao ngang đầu người, nhà nào chuẩn bị được nhiều củi sẽ chất cao hơn, to hơn. Và, như một lời hẹn trước, tất cả sẽ được đốt trong thời khắc giao thừa.

Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, khi ngọn lửa được thắp lên, các thành viên trong mỗi gia đình sẽ quây quần bên đống lửa, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon, cùng ngân nga theo điệu nhạc xuân mừng năm mới, rồi kể cho nhau nghe những chuyện đã qua, nói về những thành quả đạt được trong học tập, lao động, sản xuất.

Giờ phút giao thừa, bà con sẽ chúc nhau những lời tốt đẹp, cùng nâng ly đón mừng năm mới với mong ước có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn sự hanh thông đến với mỗi người, mỗi gia đình… Đến nay, điều ấy là nét đặc trưng riêng của người dân nông thôn ở Tánh Linh mà hiếm nơi nào có được; vẻ đẹp ấy vừa bình dị, vừa ấm áp tình người, tình làng nghĩa xóm trong cuộc sống đời thường, cũng như khi mỗi độ tết đến, xuân về...

TẤN THÀNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
6 điểm bắn pháo hoa tầm thấp vào thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
BTO-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh vừa ký văn bản thống nhất chủ trương tổ chức 6 điểm bắn pháo hoa tầm thấp vào thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để phục vụ nhân dân và du khách.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rực sáng đêm giao thừa