Theo dõi trên

Tết xa xứ vẫn giữ nếp quê hương

12/01/2023, 09:52

Tết đến xuân về khiến cho những người Việt ở nước ngoài rưng rưng nỗi nhớ quê nhà.

Bồi hồi nhớ tết quê

Đối với mỗi người Việt Nam nói chung, người dân Bình Thuận nói riêng, tết đến luôn là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất trong năm. Bởi đây là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, người thân. Thế nhưng, đối với những người con xa xứ, tết lại là nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi.

hinh-tet.jpg

Từ ngày chị Nguyễn Thị Dung (quê Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) rời quê hương theo chồng sang Mỹ, đến nay đã được 5 năm. Chừng đó thời gian, chị Dung chưa một lần về Việt Nam đón Tết Cổ truyền dân tộc. Bao nỗi nhớ cứ đong đầy theo năm tháng, đặc biệt mỗi khi tết đến, xuân về.

“Tết trong tôi là những ngày cùng mẹ đi chợ mua sắm đồ tết, là nụ cười hạnh phúc của ba khi lựa chọn được nhành mai ưng ý, là bữa cơm tất niên của chiều 30 tết khi gia đình quây quần bên nhau”, chị Dung tâm sự.

Còn đối với Mai Thơ (quê ở xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) đã có 8 năm sinh sống ở đất nước Phần Lan. Ban đầu là đi học, sau đó ra trường và làm việc tại vùng đất này. Do thời gian công việc nên Thơ ít có cơ hội về Việt Nam ăn tết cùng gia đình. Tết nơi xứ người, Thơ không cảm nhận được một cách trọn vẹn không khí của năm mới. Thơ nhớ: Khi còn bé, hầu như năm nào cũng thức cùng mẹ để phụ giúp làm mâm cỗ cúng ông bà đêm giao thừa. Giữa thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, cùng với mùi hương trầm nghi ngút, đó chính là những ký ức không thể nào quên. “Hơn lúc nào hết, tôi thèm được cái ôm của mẹ, cái xoa đầu của ba. Cùng mẹ gói bánh tét, cùng thức đêm nấu với ba. Cái mùi thơm của nếp và những câu chuyện vui đùa cùng anh chị trong không khí ấm áp”, Thơ bồi hồi nói.

Cũng đã có thâm niên 4 năm không đón tết cùng gia đình, Hồng Hạnh du học sinh Hàn Quốc, quê ở huyện Tuy Phong chia sẻ: “Năm nay, lại là một cái tết xa nhà. Thật sự nhớ ba mẹ, người thân rất nhiều. Mỗi cuộc điện thoại gọi về nhà, câu đầu tiên các cháu hỏi là năm nay cô út có về ăn tết không? Nhớ cô út lắm! Mình nghẹn ngào không biết trả lời làm sao. Chỉ biết là cố gắng giữ gìn sức khỏe và học tập tốt bên đây, xem như là món quà dành cho ba mẹ và để ba mẹ không lo lắng”.

Có lẽ, trong tâm thức của mỗi người con xa xứ, Tết Cổ truyền luôn mang lại những dấu ấn đặc biệt. Năm nay, họ vẫn tiếp tục “lỡ” chuyến tàu quê.

Giữ nếp quê hương

Ngày cuối năm, bà Nguyễn Thị Mười (67 tuổi, quê xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) lại tất bật đi chợ mua sắm chuẩn bị cho mâm cơm tất niên. Bà cho biết, bang California (Mỹ) nơi bà sinh sống có rất nhiều thực phẩm Việt Nam. Chính vì vậy, việc lựa chọn những món ăn quê nhà trong dịp tết cũng trở nên dễ dàng.

“Mặc dù ở bên này đã lâu, nhưng cứ vào dịp tết gia đình tôi vẫn cùng nhau làm bữa cơm tất niên. Những bữa cơm như thế vui lắm, mọi người cùng thưởng thức những món ăn mang hương vị Việt Nam như bánh chưng, bánh tét, chả lụa, măng kho hay dưa muối…Mọi người ăn uống, chuyện trò vui vẻ, chia sẻ những khó khăn trong một năm đã qua và cầu chúc nhau gặp nhiều may mắn trong năm mới", bà Mười cho hay.

Cũng với mong muốn gìn giữ những truyền thống của người Việt khi tết đến, xuân về, nên mặc dù khá bận rộn với tiệm nail (tiệm làm móng tay, móng chân) tại bang California (Mỹ), nhưng chị Vạn Hồng Xuân (quê ở phường Xuân An, TP. Phan Thiết) vẫn tranh thủ thu xếp để mua sắm, sửa soạn những món ăn Việt cho các con đón tết.

Cũng như mọi năm, năm nay gia đình chị Xuân vẫn tiếp tục gói bánh chưng. Từ việc vo gạo, rửa và lau lá gói, cắt thịt heo thành từng miếng, đến việc gói bánh... được các thành viên trong gia đình hưởng ứng tích cực.

“2 đứa con tôi sinh ra trên đất Mỹ nhưng rất thích khi được thưởng thức các món ăn Việt Nam, nhất là vào dịp tết. Chính vì vậy, tôi sẽ vẫn giữ phong tục của người Việt, cùng chồng chuẩn bị những món ăn truyền thống như dưa hành, thịt kho, măng kho, bánh chưng... Những ngày tết, cả nhà sẽ quây quần bên nhau, mừng tuổi, chúc nhau những điều tốt đẹp và điện thoại về chúc tết những người thân ở Việt Nam”, chị Xuân nói.

Xuân đã về, với những giai điệu vui tươi, hạnh phúc. Những tiếng nói, tiếng cười đã xua tan đi những khó khăn của một năm cũ... Và với những người Việt xa xứ, vì nhiều lý do không thể trở về quê hương đón tết sum vầy cùng gia đình, thế nhưng lòng họ luôn hướng về quê nhà với tình yêu, nỗi nhớ cùng những lời cầu chúc người thân năm mới bình an, hạnh phúc, vạn sự như ý.

Bởi với họ:

“Quê hương mỗi người chỉ một.

Như là chỉ một mẹ thôi.

Quê hương nếu ai không nhớ.

Sẽ không lớn nổi thành người...”.

THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đò chiều
Đò ai lơ lửng bến chiều
Nổi bật
Tượng đài bất tử trong công cuộc đổi mới
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Vĩnh Long, mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền, đồng chí Võ Văn Kiệt sau này đã trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới của nước ta.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết xa xứ vẫn giữ nếp quê hương