Theo dõi trên

Bánh chưng Bàu Gia

12/01/2023, 09:49

Mỗi năm, cứ vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người làng Bàu Gia, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc lại có những đêm không ngủ, rộn ràng gói bánh chưng phục vụ thị trường tết.

1234567

Cha truyền, con nối

Bàu Gia thuộc thôn Xuân Điền, xã Hàm Hiệp, không xa lạ gì với người dân các xã lân cận và thành phố Phan Thiết. Bởi nơi đây nổi tiếng nghề gói bánh chưng, bánh tét từ trước ngày giải phóng (1975). Đến nay vẫn hết thế hệ này đến thế hệ khác trong làng thủy chung với nghề, dù khó nhọc. “Lúc đó bà mới 12 tuổi đã theo ngoại của bà ở làng Đại Nẫm (tức Phong Nẫm) đi gói bánh chưng, bây giờ tuổi cao sức yếu truyền nghề lại cho các con. Nghề này tuy vất vả, thức khuya dậy sớm, nhất là dịp tết, nhưng được cái ổn định”, bà Nguyễn Thị Lý, 72 tuổi ở Bàu Gia thoăn thoắt đôi tay xếp từng chiếc lá chuối xanh non cho các con gói bánh, nói về 4 đời làm bánh chưng của dòng họ và gia đình.

z3888196798141_f0ef51289b8d64988bef141e5fd5e648.jpg
Bánh chưng xanh phục vụ thị trường Tết nguyên đán ở Bàu Gia

Quy trình gói bánh khá công phu, nặng nhất là công đoạn gói và luộc bánh. Chủ yếu bánh được gói vào buổi chiều và luộc lúc màn đêm buông xuống, sau khi công đoạn gói hoàn thành, để chuẩn bị bánh cho phiên chợ sáng hôm sau. Chính vì vậy, người làm bánh quần quật cả ngày, cứ sáng chở đi bán, chiều gói, tối luộc, lấy công làm lời, vui với nghề, vì được làm chủ mình không sợ thất nghiệp. Không ít người trong số họ cũng theo nghề từ thời ông bà, như gia đình bà Lê Thị Ba, Nguyễn Thị Sáu... Bà Lý cho biết: “Trước kia Bàu Gia chỉ có vài hộ gói bánh chưng bán, nay nhiều hơn, chủ yếu cung cấp cho thành phố Phan Thiết”.

Chính vì vậy, lượng bánh chưng của Bàu Gia cung cấp ra thị trường ngày một nhiều hơn. Vợ chồng Nguyễn Thành Tâm – Trương Thị Thắng Hòa con trai bà Lý gói 50 kg gạo nếp/ngày, gấp đôi so với thời bà Lý chưa chuyển giao nghề, nhờ công nghệ thông tin quảng bá và giao dịch bán qua mạng, điện thoại. Đây mới chỉ là ngày thường, còn ngày tết thì nhiều hơn với trung bình 1 tấn gạo nếp/1 cái tết. “Hàng năm cứ vào khoảng 20 tháng chạp đến chiều 30 tết, người ta đặt gói bánh nhiều. Nhiều người đặt làm hàng chục chiếc, mỗi chiếc trị giá 80.000 - 100.000 đồng/chiếc. Đêm nào cũng thức khuya gói, luộc, rồi vớt ra cho khô ráo nước, chở đi giao cho người ta bán tết”, vợ chồng Tâm chia sẻ và nói thêm phải thuê thêm người gói phụ.

Với lò bánh bà Lê Thị Ba thì gói nhiều hơn với gần 2 tấn nếp/1 cái tết, đó là chưa kể những lò nhỏ như hộ bà Sáu gói 50 kg nếp/tết... Bà Thái Thị Xuân Lan – Trưởng thôn Xuân Điền cho biết, toàn thôn có 524 hộ, trong đó có hơn 50 hộ làm nghề gói bánh chưng. Nên cứ vào dịp tết nhiều gia đình ở Bàu Gia đêm cũng như ngày miệt mài với công việc gói bánh chưng - lễ vật quan trọng dâng cúng tổ tiên, ông bà không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày tết.

20221031_170507.jpg
Người Bàu Gia gói bánh chưng. 

Thương hiệu bánh chưng Bàu Gia

Công việc ấy chỉ tạm lắng sau đêm 30 tết, rồi rục rịch trở lại khi chợ đầu năm hoạt động. Bánh chưng sau tết chủ yếu phục vụ lễ hạ nêu hay còn gọi là lễ khai hạ kết thúc cái tết, khởi đầu năm mới an khang. Người tiêu dùng đa phần là người buôn bán, cúng tổ tiên, ông bà cầu buôn may bán đắt trong năm mới hoặc gia đình chưa kịp mua dùng trong ngày tết do bận rộn công việc cuối năm.

Những ngày tết chóng vánh qua đi, mọi thứ trở về như cũ, người làm bánh chưng làng Bàu Gia lại tiếp tục cho ra lò những đòn bánh tét, bánh chưng nhỏ vừa đủ ăn cho một người, phục vụ nhu cầu mọi lứa tuổi ngày thường. “Tết gói bánh lớn, ngày thường gói bánh nhỏ, chủ yếu bỏ mối cho các quán cóc, nhà hàng, sạp hàng ở chợ...” - bà Ba cho biết.

Dù vất vả nhưng nghề cho thu nhập ổn định nên hầu hết gia đình làm bánh chưng ở Bàu Gia đều muốn truyền nghề lại cho con cái, khi làm nông đang bấp bênh. Bà Thái Thị Xuân Lan cho biết, hiện nay không chỉ người lớn tuổi làm bánh chưng mà cả người trẻ cũng tham gia. Trong đó không ít cha mẹ truyền nghề lại cho con cái. "Chúng tôi đang có ý định kiến nghị ngành chức năng xem xét công nhận Bàu Gia là làng nghề truyền thống gói bánh chưng nhằm xây dựng thương hiệu riêng, để có biện pháp bảo tồn và phát triển không thất truyền", bà Lan nói thêm.

“Bánh chưng Bàu Gia, chủ yếu cung cấp cho thị trường TP. Phan Thiết. Nhiều người đặt mua bao gồm cả mua đi bán lại, biếu, tặng cho... Bánh có độ dẻo, thơm, ngon, lâu hư nhờ kinh nghiệm làm bánh lâu năm của người dân trong làng”, bà Lý, người có nhiều năm kinh nghiệm làm bánh cho biết.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
MS 55 - Người Tây học gói bánh chưng Việt
The Cliff Resort tọa lạc tại phường Phú Hài (Phan Thiết) hàng năm vào dịp xuân về tổ chức lễ hội gói bánh chưng. Du khách đến từ Châu âu, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn hào hứng khi được trải nghiệm với lễ hội gói bánh chưng Việt.Hoạt động văn hóa truyền thống này đã lan tỏa đến nhiều khu du lịch khác ở khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến thành (Phan Thiết).
Nổi bật
Khai mạc hoạt động các loại hình văn hóa Chăm
BTO-Sáng 5/10, tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, Bảo tàng tỉnh tổ chức khai mạc hoạt động các loại hình văn hóa Chăm; tiếp nhận hiện vật, cổ vật năm 2024 và trưng bày chuyên đề “Dấu ấn gốm Chăm”. Hoạt động diễn ra trong ngày 5 - 6/10, chào đón Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bánh chưng Bàu Gia