Theo dõi trên

Cảnh giác cháy rừng trong mùa nắng nóng!

24/02/2020, 09:29 - Lượt đọc: 30

BT- Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng với diện tích 25,6 ha. Các vụ cháy chủ yếu là trảng cỏ, cây bụi, lá khô dưới tán rừng và đã được tổ chức chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.

Bình Thuận hiện nay đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng. Trên địa bàn tỉnh, ngoài rừng tự nhiên (đặc trưng rừng khộp), còn có rừng trồng gần với khu dân cư nên rất dễ xảy ra cháy rừng trong mùa nắng nóng. Trong tuần qua, chỉ trong một ngày (17/2) xảy ra 2 vụ cháy rừng ở huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi nhưng đã được dập tắt, không để cháy lan rộng ra khu vực xung quanh.

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ cháy ở phía Tây núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam) và tại Bưng Ngang (xã Tân Bình, thị xã La Gi). Cụ thể, vào khoảng 8 giờ ngày 17/2/2020, Trạm bảo vệ rừng thị trấn Thuận Nam tiến hành tuần tra rừng thì phát hiện vụ cháy xảy ra tại tiểu khu 297, thuộc đối tượng rừng đặc dụng trong lâm phận Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Ngay khi phát hiện, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã huy động lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, hộ nhận khoán và phối hợp với lực lượng Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam chữa cháy. Đến 11 giờ 30 phút thì đám cháy được khống chế nhưng do thời tiết khô hanh, gió mạnh nên đám cháy bùng phát trở lại. Khoảng 13 giờ cùng ngày lực lượng tiếp tục chữa cháy đến 15 giờ thì đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Theo thống kê, diện tích cháy khoảng 0,6 ha, hiện trạng cháy chủ yếu là cháy thảm thực bì, lá khô dưới tán rừng và cháy lướt dưới tán, không thiệt hại đến tài nguyên.

Vụ cháy khác xảy ra lúc 13 giờ ngày 17/2/2020, tại khu vực đầm lầy Bưng Ngang thuộc thôn Tân Lý 2, xã Tân Bình, thị xã La Gi. Khu vực cháy nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng do Công ty CP du lịch Sài Gòn - Hàm Tân quản lý. Khi phát hiện đám cháy xảy ra, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã đưa xe cứu hỏa phối hợp Cảnh sát cơ động và lực lượng chữa cháy địa phương chủ động tiếp cận hiện trường. Đến khoảng 1 giờ sáng 18/2/2020 đám cháy đã tắt hẳn hoàn toàn, sau khi cháy hết thực bì trong khu vực đầm lầy. Theo thống kê diện tích cháy khoảng 0,29 ha. Hiện nay, cơ quan chức năng đang điều tra xác minh, làm rõ nguyên nhân của 2 vụ cháy.

Được biết, trong những năm qua công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện. Chỉ trong năm 2019 toàn tỉnh đã xây dựng 1.345,3 km đường băng cản lửa (trong đó 1.206,6 km đường băng trắng và 138,7 km đường băng xanh), 6 chòi canh lửa kiên cố; trang bị 166 máy móc thiết bị và 3.315 công cụ thủ công. Đồng thời thành lập 120 ban chỉ huy phòng chống cháy rừng các cấp, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy khẩn cấp xảy ra. Có 118 thôn xây dựng hương ước bảo vệ rừng. Ngoài ra các hộ dân sống trong khu vực có rừng đã ký cam kết bảo vệ rừng, không gây cháy hoặc phát hiện cháy phải báo ngay cho trạm bảo vệ rừng gần nhất.

Trước các vụ cháy rừng xảy ra mới đây, ngày 17/2/2020, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2020.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã để theo dõi, hướng dẫn nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng lửa. UBND cấp xã, chủ rừng cần thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát chặt các hoạt động canh tác nương rẫy; hướng dẫn người dân về kỹ thuật phát dọn thực bì, tuyệt đối không đốt nương, làm rẫy trong những ngày thời tiết khô hanh. Tuyên truyền sâu rộng để mỗi người dân hiểu, chấp hành và thực hiện, không dùng lửa trong rừng, ven rừng, dùng lửa để dọn thực bì trong những ngày khô hanh, có dự báo cấp cháy rừng cao (cấp IV, cấp V), nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chuẩn bị đảm bảo mọi điều kiện để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên thông tin, báo cáo ngay tình hình khi có cháy rừng xảy ra tại địa phương về Chi cục Kiểm lâm. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng pháp luật đối với các đối tượng cố ý gây cháy rừng, hủy hoại rừng; các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu của các chủ rừng, mà không có biện pháp bảo vệ rừng, không tổ chức chữa cháy kịp thời khi cháy rừng xảy ra.

HuỲnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác cháy rừng trong mùa nắng nóng!