Theo dõi trên

Cảnh giác với thủ đoạn giả danh người giao hàng

18/12/2024, 09:02

BTO-Cuối năm, nhu cầu mua sắm online tăng cao nên các đối tượng lừa đảo thường mạo danh nhân viên giao hàng với các thủ đoạn khá tinh vi. Nếu không cẩn thận, tỉnh táo người dân dễ bị mất tiền hàng, lẫn tài khoản ngân hàng khi làm theo hướng dẫn của các đối tượng này.

Cẩn thận chiêu lừa

Theo chị N. T. N. (phường Phú Thủy), chị vẫn hay đặt mua hàng trên các trang thương mại điện tử, như: Tiktok, shoppee, các kênh livestream bán hàng trên facebook... Sáng 13/12/2024, có 1 người nói giọng Bắc gọi điện cho chị N. theo số điện thoại 0911198052, để thông báo: “Chị có đơn hàng 200.000 đồng, chị có nhà không em ghé giao?”. Chị báo mình đang đi công tác, nên hẹn lại hôm sau. Tuy nhiên, đối tượng bảo “Mai em giao khu vực khác, e đang đứng trước nhà chị rồi, có gì em quăng hàng vô sân nhà, chị chuyển khoản cho em nha!”. Mọi lần chị N. cũng hay chuyển khoản cho người giao hàng quen như thế, lần này cũng vậy, chị thực hiện việc chuyển 200.000 đồng vào tài khoản người giao hàng vừa cung cấp. Thế nhưng, một lát sau người giao hàng nói trên điện thoại lại cho chị N. thông báo: “Chị ơi! Em vội quá gửi nhầm số tài khoản, em nhờ chị vào trang của công ty giao hàng báo, để em nhờ công ty chuyển ngược lại cho chị ạ”.

z6139202866007_b19bcf7d23766e711748ef351d300033.jpg
Chị N. bị các đối tượng hướng dẫn thực hiện các thao tác.

Trao đổi xong, người này gửi đường link qua tin nhắn số điện thoại có chữ GHTK (giao hàng tiết kiệm). Cứ thế, theo phản xạ, chị N. kích vào đường link vừa được cung cấp mà không phân biệt thật, giả. Đồng thời, người giao hàng gọi cho chị hướng dẫn các thao tác, yêu cầu chỉ dẫn chia sẻ màn hình trên ứng dụng facebook, gửi 1 đường link mới yêu cầu kích vào lấy mã số của ngân hàng tự chuyển tiền về. Nghe phương pháp thực hiện như cách chuyển khoản bình thường, nhưng không ghi số tiền phải chuyển nên chị N. chủ quan, cứ thế thực hiện… Khi thực hiện sinh trắc học xong, tiền trong tài khoản cá nhân của chị tự mất một ít. Lúc này, đối tượng bên kia điện thoại, bảo: “Chị làm sai rồi, thao tác lại giúp em, lệnh trừ tiền khi nãy sẽ tự động hoàn lại”. Lúc này, chị mới sinh nghi, gọi hỏi người thân thì mới biết là chiêu thức lừa đảo của các đối tượng.

Không riêng gì chị N., mới đây một cô giáo tên T. trường THCS trên địa bàn TP. Phan Thiết cũng bị lừa với hình thức tương tự. Đang dạy thì có người gọi bảo “Chị có đơn hàng 350.000 đồng, em đứng trước nhà chị rồi. Chị nhờ ai ra nhận. Theo thói quen chị T. cũng bảo bỏ vô sân nhà, chị chuyển khoản. Sau khi chuyển khoản xong, đối tượng giao hàng bắt đầu chiêu cũ “Gửi nhầm tài khoản, nhờ chị thực hiện các bước để trả lại tiền. Chị chỉ cần click vô trang em gửi rồi nhắn “tôi muốn hủy thẻ hội viên shipper và hoàn lại số tiền vừa chuyển nhầm””. Do đang trong tiết dạy, chị T. không thực hiện theo và hẹn cuối giờ. Sau khi dạy xong, chị sinh nghi nên nhờ hàng xóm ngó sang có gói hàng nào trong sân nhà mình không. Khi biết không có hàng, chị mới vỡ lẽ mình mất tiền hàng 350.000 đồng và gọi lại số điện thoại lúc nãy thì không liên lạc được.

Xem hàng rồi trả tiền

Đây là hình thức lừa đảo mới, các đối tượng thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên các nền tảng mạng xã hội để thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai của khách hàng. Thậm chí các đối tượng mua thông tin khách hàng qua các kênh khác. Khi đã có được thông tin, các đối tượng sẽ giả danh là người giao hàng thuộc các Công ty vận chuyển có tiếng để gọi tới khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà.

89-9.jpg
Người tiêu dùng cần kiểm hàng rồi mới giao tiền, không chuyển khoản trước tránh mất tiền.

Theo ngành chức năng, từ tháng 7/2024 đến nay, trên địa bàn TP. Phan Thiết đã ghi nhận nhiều trường hợp tương tự. Do đó, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh khuyến cáo, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn. Để tránh bị lừa dù chỉ là số tiền nhỏ, người dân cần nâng cao cảnh giác, không làm theo các hướng dẫn của người lạ qua điện thoại dù họ giới thiệu là ai. Không nên truy cập các đường link, tải và cài đặt bất kỳ ứng dụng nào khi chưa rõ nguồn gốc. Đồng thời, khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch ngay, không tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn để tránh việc sa bẫy của những kẻ lừa đảo.

Đặc biệt, với xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến, chị em phụ nữ cần cảnh giác hơn khi có những cuộc gọi giao hàng nhưng không có nhà. Hầu hết các cửa hàng thời trang, gia dụng đều cho kiểm hàng rồi mới trả tiền, do đó nếu không may có nhà, người tiêu dùng nên hẹn người giao hàng sang ngày khác, không cần phải vội vàng nhận hàng, chuyển khoản khi không biết hàng hóa thật giả ra sao.

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cảnh giác: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cảnh giác với thủ đoạn giả danh, mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác với thủ đoạn giả danh người giao hàng