Theo đó, các lương y trong tỉnh được các chuyên gia chia sẻ lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán đau vai gáy, đau lưng, cách xoa bấm huyệt. Đây là phương pháp không dùng thuốc an toàn, tiện lợi, mang lại hiệu quả trong cải thiện mức độ đau, phục hồi chức năng cột sống cổ; ứng dụng rộng ở các tuyến y tế cơ sở. Tỷ lệ bệnh đau vai gáy ngày càng tăng, độ tuổi mắc bệnh trở nên trẻ hóa. Mặc dù bệnh này không gây tử vong, nhưng bệnh gây đau, khó chịu làm giảm chất lượng cuộc sống
Thêm vào đó, Hội Đông y tỉnh phổ biến một số dược liệu tự nhiên và vấn đề nuôi trồng, thu hái dược liệu trong tỉnh. Đó là cây thầy thím, cây sơn cam, cây xun nhiều hoa, đỗ trọng nam, sài hồ nam, vàng đắng, bứa, ngũ gia bì, thiên niên kiện, bách bộ, bình vôi, bạch tật lê, bụp giấm, dừa cạn. Trong số cây thuốc trên, có loài quý hiếm, bị đe dọa cần được bảo tồn như vàng đắng, bứa. Riêng cây thầy thím, đỗ trọng nam có tác dụng kháng viêm cấp, sài hồ nam có tác dụng hạ sốt, sử dụng cây thuốc này đưa vào trong điều trị là cần thiết.
Bác sĩ Trần Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Thông qua chuyên đề này, các lương y tiếp nhận thêm thông tin về bệnh đau vai gáy, cách phòng trị hiệu quả nhất theo phương pháp đông y, đông dược; nuôi trồng, thu hái dược liệu. Bình Thuận đặt hàng Viện nghiên cứu Dược liệu miền Nam và trường Đại học Cần Thơ đang tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu cây thuốc quý cho địa phương.