Theo dõi trên

Câu chuyện về chợ Gò

11/04/2025, 05:35

Kỳ 1: Dấu tích một thời

Phan Thiết có rất nhiều địa danh, địa chỉ có tiếng trước đây. Là người con của quê hương, sinh sống ở mảnh đất này, không ai không biết đến chợ Gò (phường Phú Trinh), bởi vì xoay chung quanh nó là một khoảng thời gian vừa đủ dài để lưu giữ những con đường, cái chợ, con người, chuyện đời cùng thế thái nhân tình.

cho-go.jpg
Chợ Gò hôm nay. Ảnh: Đình Hòa.

Như con đường Hải Thượng Lãn Ông đó, ngày xưa về đêm cứ cách 50 m trụ đèn, có treo một bóng đèn tròn dưới cái chao đèn tráng sứ (sau đổi thành bóng đèn Néon). Ánh sáng đêm vàng vọt, chỉ càng về khuya đèn sáng nhiều hơn một chút - do lúc này điện sinh hoạt tắt nhiều. Lúc này lại là lúc học bài của các em học sinh ham học thời đó. Ngồi bệt dưới lòng đường, dưới bóng ngọn đèn, dùng phấn trắng viết bài giải ngay trên mặt đường, đến sáng ra người đi chợ vẫn còn trông thấy. Hai bên đường ngày trước có trồng hai loại cây là phượng và cây me tây (cây ngủ chiều). Vì vậy đường còn có tên gọi nên thơ là đường hoa phượng, đường me tây. Gần chợ Gò về phía đường Nguyễn Hoàng, có một khách sạn hào hoa mang tên Trần Nam Hương. Sếnh sáng Trần gốc người Quảng Đông lưu lạc cùng gia đình đến Việt Nam, đến đời của Sếnh sáng còn chỉ một mình, lấy vợ Việt và định cư tại Sông Mao (có cái khách sạn tại ga xe lửa). Sau về Phan Thiết mở thêm cái nữa lấy thẳng tên mình. Là người phong lưu lại có khách sạn tiếp đãi theo phong cách hào hoa nên ông Trần quen biết rất nhiều giới nhà giàu và quan chức đủ cấp thời đó. Thường người có tài, có tiền, thì hay có tật, mà cái tật cũng thanh tao như cái cách ông sống. Cả cuộc đời Trần tiên sinh chỉ mê cái thú đi câu, thời đó nước sông Cà Ty sạch lắm, triều lên nước biển xanh trong tuôn cửa chảy vào, cá tôm cũng theo con nước đổ vào, tùy mùa tùy loại cá hồng, chẽm, mú, hanh, nhất là con cá dìa (cá nâu) mình dẹp, khi mắc câu cá chạy cong cần người câu thấy thú. Nhưng ngồi trên bờ mà lấy được cá mắc câu rất khó, do dưới sông có nhiều ghềnh đá. Cây cầu Quan bắt ngang sông là cây cầu độc nhất thời đó, hai đầu cầu đều có người bảo vệ, còn dưới chân cầu đều có rào kẽm gai. Không ai được đến gần và không được xuống chân cầu. Vậy mà chỉ có ông Trần, không biết ông can thiệp bằng cách nào mà ông có được một chiếc xuồng câu nhỏ cột dưới chân cầu. Mỗi lần muốn đi câu, ông vác cần từ nhà đi bộ ra sông, báo lính gác xong là thong thả xuống xuồng mở dây chèo ra giữa sông neo lại ngồi câu. Ngồi trên xuồng câu cá, nếu cá mắc câu là khó lòng thoát được, cho dù là cá lớn. Vờn cho cá mệt rồi kéo lại gần xuồng, dùng vợt vớt lên. Mùa nước lũ về, con tôm càng trôi xuống nép trốn trong đá, trong chân cầu. Trời đêm sáng trăng, chèo xuồng câu tôm rồi nướng luôn thưởng thức trên sông, không thú nào bằng.

Trong chợ Gò còn có một nhân vật độc đáo khác nữa là ông Quyện chợ Gò, hay còn gọi là ông Ngô Quyện (Huyện). Có thể gọi ông là một nhân vật hơi kỳ quái, không nhà không cửa, không bà con thân thích, càng không ai biết gốc gác ông ở đâu, làm gì. Nói giọng Quảng lai Bình Định, đêm ngủ nhờ trước sạp hàng nhà bà Hòa, ngày lang thang trong chợ, ai nhờ gì làm nấy, ai cho gì ông lấy nấy. Cho đồ ăn thì lấy đồ ăn, cho tiền thì lấy tiền đi mua rượu. Lúc có tiền, ông chuyên uống rượu công xi (rượu trắng quốc doanh thời đó). Nghe nói ông lưu lạc đủ nơi, không hiểu sao lại trôi về Phan Thiết, trụ nơi đất chợ Gò. Tướng tá to con, lưng hơi cong, vẻ mặt bặm trợn, ai mới gặp lần đầu cũng đều thấy sợ, nhất là đám con nít mới lớn hay theo mẹ đi chợ hay đi ngang qua. Lúc say trông bộ tịch ông rất hung tợn, tay cầm cây gậy, cầm hai tay giống như cầm súng, từ trong hẻm nhà này khom người chạy sang đường phía bên kia. Miệng hô vang Attention, Attention - (chú ý), Predisposer (chuẩn bị). Armes Feu Feu (bắn, bắn), bằng một thứ tiếng Pháp bồi, nghe không rõ tiếng. Rồi ông lăn tròn trên mặt đường, miệng hét lên: Ầm ầm, đùng đùng. Ai lạ qua đường cũng đều kinh hãi, nhưng người dân sống ở đó thì quen, bởi ngày nào ông cũng như vậy, riết rồi cũng không ai để ý. Duy chỉ có chút thắc mắc chắc đó là hậu quả của chiến tranh. Về sau, nghe nói ông bị đưa vào nhà thương điên Chợ Quán, rồi chết đâu trong đó.

Quán phở bà Hài một thời nổi tiếng bán phở ngon ngay tại chợ Gò. Gọi phở là gọi chung cho tên quán, chứ thật ra là bán hủ tiếu thịt heo có kèm theo đánh tiết canh từng dĩa cho khách nhậu. Hủ tiếu cũng hơi đặc biệt ở chỗ, trụng bánh phở cho vào tô xong, nước lèo thật nóng sôi chan vào, bỏ thêm vài cọng hành rồi cho vào thêm một muỗng canh lớn huyết sống. Bưng ra cho khách màu huyết đã dịu lại, khách trộn đều lên tô hủ tiếu thấy ngon, nước lèo thêm ngọt, làm ai cũng thích ăn. Ông bà gốc người Bắc di cư năm 1954, định cư ở Phan Thiết. Có tổng cộng là 4 người con (3 nữ, 1 nam). Hai người con gái đầu giống nhiều về người mẹ, không được đẹp dáng cho lắm, riêng người con gái thứ ba thì có nét hơn, một thời có tiếng ở xóm chợ Gò. Quán bán từ sáng đến chiều, ngày nào cũng ì xèo bởi khách ăn và khách nhậu chỉ cách nhau tấm vách ván. Ông Hài người cao to con, dáng khoáng đãng thong dong, ông ít tham gia vào việc buôn bán, chỉ là nhận thịt sống về chế biến xong là ông giao cho bà, rồi xách cần đi câu (lại cũng mê câu) và cũng là bạn của ông Trần. Mọi việc nhà còn lại giao cho bà Hài và hai cô gái đầu đã lớn chưa chồng. Bà Hài là người phụ nữ ham việc nhưng dáng người lại không đẹp, lại thêm bộ răng hơi vẩu. Suốt ngày quần xắn hơn nửa ống chân, mặc áo cánh trắng, tay bóng mỡ heo, có khi đeo thêm cái tạp dề dính đầy vết mỡ. Thoạt mới nhìn ai cũng nghĩ quán bán không sạch sẽ cho lắm, chỉ nhìn cái thớt gỗ cao, mặt thớt lõm một bên đen kịt, bàn ghế cũng không có gì cho sạch lắm. Nhưng khách lại đông, chắc thị hiếu ăn uống lúc đó cũng còn bình dân. Bây giờ thì đổi thay nhiều, ông bà đã qua đời, nhà đã bán, con cái người còn người mất, không biết tứ tán đi đâu!

Chợ Gò bây giờ cũng còn đó nhưng buôn bán hơi khó khăn bởi tình thế đã đổi khác. Người quen cũng phiêu bạt phương trời không biết còn ai. Ai qua lại chợ Gò, chợt nhớ một thời ngày xưa lòng cảm thấy bùi ngùi.

KÝ: NGUYỄN DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hoạt động trọng tâm diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 2/5, với các thông điệp: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.
Nổi bật
Đánh thức tiềm năng phát triển năng động
Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày được giải phóng (17/4/1975 - 17/4/2025), huyện Tuy Phong từ một vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, hôm nay đã chuyển mình thành huyện phát triển năng động ở phía Bắc của tỉnh với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện về chợ Gò