Theo dõi trên

Chăm lo giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi

02/11/2023, 04:41

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Nhờ đó, sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS, MN trong tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể.

Chuẩn bị tốt cho trẻ dân tộc thiểu số vào lớp 1

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” được các trường thực hiện thông qua nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS, bảo đảm cho học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp. Theo đó, các trường đã tổ chức dạy học chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh lớp 1 trong hè; tổ chức tập huấn cho 100% viên chức quản lý, giáo viên về dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS. Cùng với đó, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh thông qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục như tổ chức các trò chơi học tập, dạy học tăng thời lượng, các hoạt động giao lưu tiếng Việt… Kết quả, năm học 2022 - 2023 có 11.260/11.551 học sinh DTTS hoàn thành chương trình lớp học, đạt tỷ lệ 97,5%.

437acfa3-7611-4a70-a2fd-bb11ed3f6874.jpeg
1 tiết dạy học tại Trường TH&THCS Đông Tiến

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy và học tiếng DTTS phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của học sinh. Theo đó, cấp tiểu học toàn tỉnh có 4 huyện, 12 trường, 152 lớp với 3.679 học sinh học tiếng Chăm. Các đơn vị triển khai dạy học tiếng Chăm 2 - 4 tiết/tuần phù hợp với thực tiễn nhà trường. Kết quả, có 3.674/3.679 học sinh hoàn thành chương trình tiếng Chăm, đạt tỷ lệ 99,9%. Ngoài ra, các trường còn tăng cường tổ chức chuyên đề, xây dựng các hoạt động mẫu về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, chú trọng giáo dục kỹ năng xã hội cần thiết để chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1.

Quan tâm đầu tư giáo dục vùng DTTS, MN

Bên cạnh đó, mạng lưới trường, lớp học, nhất là các trường học có đông học sinh DTTS được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh học 2 buổi/ngày, các trường đều có các phòng học bộ môn để cho các em học thực nghiệm các môn học thực hành. Bố trí hợp lý các khu ký túc xá, nhà ăn trong khuôn viên diện tích của trường, đáp ứng nhu cầu ăn ở nội trú và vui chơi cho học sinh. Ngoài ra, các địa phương đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách khác theo quy định của Trung ương và quy định của tỉnh liên quan giáo viên và học sinh như chế độ phụ cấp cho giáo viên, chế độ hỗ trợ cho việc tổ chức dạy tiếng Chăm, chế độ cho học sinh dân tộc rất ít người, chế độ hỗ trợ sách, vở, gạo, ăn trưa cho học sinh miền núi, chế độ học sinh khuyết tật...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng Hội Khuyến học các cấp, Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực tham gia vận động trẻ em đến lớp, trở lại trường; xây dựng, duy trì nhiều mô hình giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, học sinh DTTS... Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Minh chứng, tỷ lệ học sinh DTTS, MN bỏ học hàng năm giảm rõ rệt; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tăng, riêng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của học sinh dân tộc nội trú trong 3 năm, tính từ năm 2021 đạt 99,63%; năm học 2022 và năm 2023 đạt 100% tăng 0,37% và giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm…

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được hiện có nhiều giáo viên chưa được đào tạo tiếng dân tộc đạt chuẩn theo quy định. Vì thế chưa có chuyên môn chuyên sâu về môn học này, giáo viên dạy tiếng DTTS hiện tại chủ yếu bồi dưỡng, tập huấn tại địa phương. Mặt khác, nhà giáo đều công tác ở vùng DTTS như nhau, nhưng chính sách chỉ áp dụng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn vùng DTTS, MN thì không được hưởng chính sách.

Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ cấu hệ thống và mạng lưới cơ sở giáo dục, đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học. Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện linh hoạt các chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện học tập của người học gắn giáo dục với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương. Cùng với đó, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu. Thực hiện đầy đủ chính sách cho người dạy và người học. Tăng cường đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất cho giáo dục dân tộc...

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quyết sách giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được xem là một quyết sách đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Thời điểm này, chương trình được triển khai thực hiện đã bước đầu phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm lo giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi