Theo đó, đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng quy định của Luật Báo chí và pháp luật hiện hành. Kiên quyết không ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu thì lưu lại bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan chức năng của địa phương để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định.
Yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan định hướng công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả đối với hoạt động của cơ quan báo chí của Trung ương. Hội Nhà báo tỉnh quán triệt, nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của các hội viên trong việc thực hiện 10 điều Quy định về đạo đức người làm báo và Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội. Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra và kết luận rõ ràng đối với người làm báo vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam để làm cơ sở xử lý tiếp theo.
Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận; Cơ quan đại diện, phóng viên thường trú báo Trung ương trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động. Đảm bảo hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của Luật Báo chí, các quy định về những điều không được thông tin trên báo chí, phản ánh trung thực, khách quan khi thông tin trên báo chí…
Được biết, ngày 26/11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 4854 về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật. Theo đó, có nhiều thông tin phản ánh, hiện nay một số cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương. Có tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà như: Gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin, cử nhà báo, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin… Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.