Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Thuận tác nghiệp. |
Đối với hoạt động Hội, đánh giá về những kết quả đạt được đó là sản phẩm sáng tạo VHNT, là những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật có sức thuyết phục của công chúng và được sự đón nhận của xã hội. Mảng văn học gồm các thể loại thơ, truyện, nghiên cứu, lý luận phê bình có 38 tác phẩm của 30 tác giả được hỗ trợ sáng tác và xuất bản. Nhiều tác phẩm có sự đầu tư về đề tài, tiếp cận cuộc sống, bằng tư duy tích cực. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, với 52 hội viên mà đã có 27 hội viên hội chuyên ngành trung ương, từ nhiều năm qua luôn giữ được ưu thế năng động, chuyên nghiệp đối với giới nhiếp ảnh nghệ thuật trong nước. Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới đã phong tước hiệu E.FIAP cho 3 hội viên, A.FIAP cho 7 hội viên và nhiều giải thưởng cao trong các cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật toàn quốc, khu vực hàng năm. Các tác giả Đỗ Hữu Tuấn, Trương Hữu Hùng, Trần Đình Thương, Trần Vĩnh Nghĩa, Ngô Đình Hòa… với nhiều tác phẩm khắc họa được chân dung hiện thực cuộc sống, nét đẹp văn hóa đặc sắc quê hương Bình Thuận. Chính bởi tiềm lực đó mà hình thành Chi hội nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam tại Bình Thuận, nhằm làm nhân tố tác động đến hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật ở địa phương.
Quê biển thanh bình - tranh sơn dầu của Nguyễn Đức Hòa. |
Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, Phân hội Mỹ thuật với 29 hội viên - có 4 hội viên trung ương, tiêu biểu cho các khuynh hướng sáng tạo, vừa là những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm như các họa sĩ Phan Thế Cường, Nguyễn Đức Hòa, nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết… đồng thời với lớp trẻ có năng lực, khát khao vươn tới cái mới. Lực lượng này, trong thời gian qua đã làm nên nhiều tác phẩm đặc sắc, riêng biệt bám sát định hướng tư tưởng, giàu tính nhân văn trong các cuộc triển lãm toàn quốc, khu vực và trong tỉnh. Chuyên ngành âm nhạc, tuy chỉ có 19 hội viên nhưng qua các giải liên hoan âm nhạc phía Nam và các giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đều ghi danh nhiều tác phẩm của các tên tuổi Ngọc Trung, Ngọc Lạc, Đinh Trung Hà, Hoàng Phước, Việt Trải, Thanh Pháp, Phan Gia Kiện… Và đặc biệt với một nghệ sĩ lão thành cống hiến cả cuộc đời mình cho nền âm nhạc Việt Nam, đến tuổi 90 nhạc sĩ Huy Sô vẫn tiếp tục nhận được giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng. Hoạt động sân khấu được coi còn nhiều tiềm ẩn, kế thừa những thành tựu nghệ thuật truyền thống, nhất là trong môi trường văn hóa đặc trưng của vùng đất Bình Thuận. Nhưng do tính đặc thù của chuyên ngành sân khấu còn lệ thuộc đến các điều kiện để đầu tư kịch bản, dàn dựng, biểu diễn nên gặp không ít hạn chế… Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh do tỉnh thành lập nhằm động viên, phát huy khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ qua tác phẩm nghệ thuật để góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, xây dựng bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh và cả nước. Giải thưởng xét tặng 5 năm một lần, tuyển chọn từ các tác phẩm VHNT tiêu biểu trong nhiệm kỳ. Kết quả xét giải lần thứ IV (2011) và lần thứ V (2017) có 48 tác phẩm VHNT được trao giải.
Tác phẩm Nô đùa của Trương Hữu Hùng. |
Để có được những kết quả đó, trước hết nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận về định hướng, đầu tư cho hoạt động của Hội, vừa khắc phục, giải quyết những hậu quả tiêu cực, tồn tại trong quản lý, điều hành, vừa kịp thời triển khai kế hoạch đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu bằng các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh có hiệu quả, thể hiện qua tác phẩm, sáng tạo VHNT khởi sắc của hội viên. Cũng nằm trong những nhiệm vụ lớn cho hoạt động của Hội, tạp chí Văn nghệ Bình Thuận trở thành diễn đàn VHNT của văn nghệ sĩ địa phương. Nội dung tạp chí luôn đổi mới, khai thác tiềm năng sáng tạo qua các chuyên mục, chuyên đề và phản ánh tình hình phát triển, nâng cao giá trị văn hóa của địa phương. Các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh, Hội cũng có kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu, văn hóa và nghệ thuật, giới thiệu hình ảnh sinh động về đất nước con người Bình Thuận, được đánh giá cao.
Chừng thời gian đó, Hội VHNT Bình Thuận đã từ những khó khăn về tổ chức nhưng mang lại sự thay đổi lớn về diện mạo sáng tạo, chất lượng tác phẩm, bắt kịp xu thế nghệ thuật và nhịp đập cuộc sống của thời kỳ mới. Đúng với tinh thần Nghị quyết 23 (năm 2008) của Bộ Chính trị khóa X, đã chỉ rõ: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thực hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người…”. Những gì mà Hội VHNT Bình Thuận đã làm được chính là biết vận dụng, sáng tạo trong điều kiện thực tiễn, huy động được sự gắn bó từ lực lượng hội viên.
PHAN CHÍNH