Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương cho tỉnh Bình Thuận thực hiện các Chương trình MTQG là 365, 661 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 168, 627 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 53,731 tỷ đồng và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 143, 253 tỷ đồng.
Tính đến ngày 18/8/2023, toàn tỉnh giải ngân được 10,155 tỷ đồng, đạt 2,78% kế hoạch vốn, trong đó: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân được 2,776 tỷ đồng, đạt 1,65% kế hoạch; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa giải ngân được; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được 7,379 tỷ đồng, đạt 5,15% kế hoạch. Ngoài ra, theo kế hoạch năm 2023 vốn đối ứng ngân sách tỉnh giao để thực hiện các Chương trình MTQG là 65,791 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 81 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 8/2023, các sở, ngành đã triển khai cơ bản hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, tình hình thực hiện còn chậm so yêu cầu, giải ngân còn thấp. Hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phối hợp giữa sở được giao làm chủ chương trình với các sở, ngành địa phương liên quan chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên chủ động, phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc rà soát các công việc được UBND tỉnh giao; gặp vướng mắc, khó khăn nhưng chậm tham mưu giải quyết kịp thời. Bên cạnh, công tác chuẩn bị thủ tục hồ sơ dự án ở cấp xã còn chậm…
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải đánh giá, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư khá thuận lợi, có khả năng đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, vốn sự nghiệp còn nhiều vướng mắc, tập trung ở Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các đơn vị này kịp thời ban hành một số chính sách làm cơ sở đề các địa phương thực hiện. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng phê bình một số sở, ngành, địa phương được giao vốn nhưng triển khai giải ngân vốn rất thấp như TP. Phan Thiết, Tuy Phong, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc…
Đồng thời đề nghị 3 sở chủ trì rà soát lại các vướng mắc tại các địa phương để tìm cách tháo gỡ, đánh giá khả năng giải ngân nguồn vốn để kịp thời điều chỉnh.
Với mục tiêu đặt ra từ nay đến cuối năm 2023, toàn tỉnh phải giải ngân 100% vốn năm 2022 và 95% vốn năm 2023. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đề nghị các sở, ban ngành, địa phương đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, cố gắng tạo sự chuyển biến, có sự thay đổi trong thời gian tới. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thiết kế lại biểu mẫu để cập nhật tiến độ, đôn đốc để tháo gỡ khó khăn.
Về kế hoạch năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị 3 sở ngành chủ trì thực hiện các Chương trình MTQG phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch vốn năm 2024, trình UBND tỉnh theo đúng thời gian quy định.