Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh (trung tâm) phát biểu nhấn mạnh, từ loại dược liệu quý đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên có giá trị rất cao, người tiêu dùng khó sở hữu, đã được trung tâm cũng như một số doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến nuôi cấy nhân tạo thành công. Đó là các sản phẩm dạng nấm tươi, nấm khô, viên nén, rượu… có tác dụng tăng cường sức khỏe, hỗ trợ hệ hô hấp và chức năng thận, bồi bổ cơ thể; giá bán phù hợp người tiêu dùng.
Tại hội nghị, báo cáo viên của trung tâm cũng đã giới thiệu công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo thông qua dự án nông thôn miền núi- hỗ trợ phát triển công nghệ nuôi nấm này cho người dân trong tỉnh, đang triển khai ở huyện Đức Linh. Đại diện Công ty Lavite trình bày các sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo (Hector), công dụng - triển vọng sản phẩm này tại thị trường trong nước (đã phân phối ở TP. Phan Thiết), đang mở rộng thị trường ở Nhật, Mỹ; doanh nghiệp mong muốn hợp tác với các đối tác ở Bình Thuận nơi đang có nguồn nguyên liệu dồi dào.
Các báo cáo viên cũng đã trả lời, giải đáp các câu hỏi của đại biểu về đầu tư công nghệ, cách thức nuôi trồng phù hợp thời tiết, đầu ra sản phẩm, liên kết tiêu thụ, hỗ trợ cho dự án khởi nghiệp nếu nằm trong nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh.