Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo của Quốc hội về kết quả giám sát của đoàn giám sát tối cao. Qua nghiên cứu báo cáo của Quốc hội và thực tế giám sát tại địa phương, đại biểu Thông đề nghị Chính phủ đánh giá thật cụ thể những tác động tiêu cực đối với những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch từ khi luật này có hiệu lực cho đến nay, nhất là vấn đề thu hút đầu tư.
“Khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư ở một địa phương, một lĩnh vực nào đó, vấn đề đầu tiên là họ xem cam kết chính trị của Nhà nước, của chính quyền đó như thế nào và việc cam kết chính trị đó thông qua công cụ quản lý nhà nước là công tác quy hoạch. Một thực tế là công tác này chúng ta triển khai rất chậm, hiện tại chỉ có 7/111 quy hoạch được phê duyệt. Như một số đại biểu đã nêu “chưa có quy hoạch thì biết đầu tư ở đâu”. Như vậy, có phải chúng ta chưa phát huy hết các nguồn lực xã hội trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?” – đại biểu Thông băn khoăn.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh cục bộ quy hoạch, nhất là đối với quy hoạch tỉnh, đại biểu Thông nêu rõ, tại Điều 54, Luật Quy hoạch quy định: “Trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch mới”. Tuy nhiên trên thực tế và trong báo cáo giám sát đã nêu chất lượng quy hoạch chúng ta thấp, không khả thi thiếu tính ổn định, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi, vi mô nhỏ liên quan đến triển khai các thủ tục đầu tư là nhu cầu đó rất cần trong thời gian đến. Mặt khác, đại biểu Thông cho rằng, nếu thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại các điều từ Điều 51 đến Điều 54 sẽ mất rất nhiều thời gian, không thu hút đầu tư và sẽ làm cho các nhà đầu tư mất kiên nhẫn, nản chí vì chờ đợi mỏi mòn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.
Chính vì vậy, đại biểu Thông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên mạnh dạn phân cấp cho UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề nêu trên sau khi có ý kiến thống nhất với bộ quản lý chuyên ngành. Có như vậy mới cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu ý kiến xung quanh dự án treo, theo đại biểu Thông, trong thực tiễn người dân rất bức xúc, nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Do đó, đại biểu Thông kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo và có chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đưa ra.