Theo dõi trên

Chọn nghề hay nghề chọn?

13/10/2023, 05:21

Ta chọn nghề hay nghề chọn ta? Út Mũi Né mạn phép độc giả kể lại hai câu chuyện có thực trong cuộc sống này – nơi thành phố biển phương Nam, để tìm câu trả lời bình dị cho những cuộc đời bình dị mà nhà triết học vĩ đại Aristotle từng nêu.

Câu chuyện thứ nhất: Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV2 giới thiệu chương trình “Những mảng màu cuộc sống” về giọng ca của ca sĩ Lê Ngọc Thúy với sự trải nghiệm nghề nghiệp thật ý nghĩa – bản lĩnh chọn nghề mà mình đam mê, yêu thích.

1619694530577-1609229305221-dinh-huong-nghe-nghiep-trong-tuong-lai-1.png

Lê Ngọc Thúy sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường ở vùng quê nghèo bên dòng sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, xinh đẹp, duyên ngầm. Học giỏi môn văn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thầy và gia đình tư vấn cho Lê Ngọc Thúy thi vào đại học khoa học xã hội nhân văn, hoặc khoa văn đại học sư phạm, trở thành cô giáo giảng dạy văn học.

Bất ngờ, trái với ý kiến tư vấn của cô thầy và cha mẹ, Lê Ngọc Thúy bay vào TP. Hồ Chí Minh chọn thi vào Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội – trúng tuyển cả hai trường. Hiểu bản lĩnh, cá tính của con gái, cha mẹ Ngọc Thúy không cấm cản, đành chiều theo nguyện vọng con. Lê Ngọc Thúy tâm sự nỗi niềm, hoài bão, ước nguyện của chính mình:

- Em yêu ca hát, thích làm ca sĩ nên em quyết tâm chọn nghề này, là để nghề chọn mình đấy ạ.

Đam mê, nghị lực, ý chí và quyết tâm, ngoài giờ học Lê Ngọc Thúy đi làm thêm ở nhà hàng để có thêm thu nhập chính đáng, đặng giảm bớt gánh nặng vất vả cho gia đình, theo đuổi ước mơ, sải bước đi vững chắc. Càng ngày cô càng trưởng thành, hát hay những bài dân ca, trước hết là dân ca xứ Nghệ giữa thành phố Sài Gòn đô hội, nhiều cám dỗ. Có dịp là Ngọc Thúy trở về quê hương Hà Tĩnh, về mái trường trung học phổ thông bên dòng sông Ngàn Phố tổ chức các đêm diễn dân ca, vận động các doanh nhân xứ Nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, học giỏi. Ca sĩ Lê Ngọc Thúy bắt đầu từ những đêm diễn như thế và đã thành công, chiếm được tình yêu, sự mến mộ của công chúng. Đam mê với nghề, một nữ ca sĩ khiêm nhường, trách nhiệm với nghề mà mình gắn bó, yêu thích, đam mê.

Câu chuyện thứ hai: Nhà giáo Trần sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ngàn Phố, Hương Sơn, Hà Tĩnh – địa linh nhân kiệt - tốt nghiệp đại học sư phạm Vinh, trở thành nhà giáo dạy văn có thương hiệu tại thành phố biển phương Nam. Cậu con trai đầu lòng mê văn chương, có năng khiếu thi ca. Do cuộc sống và hoàn cảnh riêng, bố mẹ định hướng cho con trai theo học đại học giao thông vận tải, sau đó là đại học khoa học xã hội nhân văn, rồi đại học kiến trúc. Là cậu bé ngoan hiền, đi theo tư vấn của gia đình, kết cục các ngành nghề em theo học đều dở dang. Đoạn cuối, chàng trai xin phép ba mẹ, tự mình thi vào học Trường Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam. Chàng hóm hỉnh tâm sự với bố mẹ, nhà giáo yêu nghề, dạy giỏi văn học:

- Bố mẹ yêu môn văn mà lại nói con theo học các ngành nghề con không thích. Rốt cuộc con đã là cây bút truyện ngắn và nhà thơ trẻ đó thôi. Chàng viết truyện ngắn có bản sắc, làm thơ có duyên, có phong cách, nhiều cây bút tên tuổi trên văn đàn nể trọng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định cây bút trẻ này là một tài năng. Có một danh nhân thế giới đã nói: “Cha hãy hỏi Chúa Trời mà xem, con đang hiện diện ở đây và con sẽ hoàn tất thời của mình”. Câu nói ấy khẳng định sức mạnh về một niềm tin không gì là không thể, miễn là có đam mê. Câu nói ấy vận vào nhà văn, nhà thơ trẻ con trai nhà giáo Trần, theo ngôn ngữ tuổi teen “chuẩn không cần chỉnh”. Thật tiếc, chàng trai đã ra đi quá sớm, sau một tai nạn khi đang di chuyển trên đường, để lại phía sau bao hoài bão dang dở và sự tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp và những bè bạn thân yêu.

Ngày 5/10/2023, nhà giáo Trần – thân phụ của nhà thơ, nhà văn trẻ đề tặng Út Mũi Né tập thơ (100 trang in) và tập truyện ngắn (200 trang in) của con trai, NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cảm xúc dâng trào, Út Mũi Né đọc một mạch trong một đêm hai tác phẩm đó và đã lẩm bẩm một mình, như lời cầu nguyện cho em: “Nghề chọn ta – Đam mê đồng nghĩa với thành công, không gì là không thể”…

ÚT MŨI NÉ


(0) Bình luận
Bài liên quan
2 mô hình, sản phẩm đạt giải Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc
Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã ban hành Quyết định số 873/QĐ-LHHVN về việc trao giải thưởng Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19 năm 2023 cho 106 đề tài sáng tạo đạt giải, theo đó, Bình Thuận có 2 mô hình, sản phẩm đạt giải cuộc thi này.
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chọn nghề hay nghề chọn?