Theo dõi trên

Chồng xa

22/03/2024, 05:15

Nói chồng xa ai cũng nghĩ là thân gái đi lấy chồng xa, nhưng không, lấy chồng gần đó chớ, mà chẳng được ở gần chồng. Thời giờ cái chuyện vợ một nơi, chồng một nẻo không còn hiếm hoi nữa. Cưới nhau về, vợ ở quê làm, chồng thì vẫn ở thành phố làm việc bởi lẽ thành phố công việc đang thuận lợi, công sức gầy dựng bao năm không phải nói bỏ là bỏ cái một.

Thôi thì vợ ráng ở nhà lo ba má giùm anh, chăm con cái, còn lại chuyện kinh tế gia đình để thân trai gánh vác. Làm đàn ông mà để vợ con đói, ba má khổ là không được. Bởi lẽ đó, nhiều người vợ cắn răng chịu đựng xa chồng, lui về làm hậu phương chăm sóc con cái, ba má chồng.

anh_1_amtr.jpg

Cái thời xuất khẩu lao động phổ biến như giờ, đàn ông ai chẳng nuôi mộng ra xứ khác kiếm tiền lo gia đình. Chịu khổ vài năm nơi xứ người, hàng tháng dành dụm gửi về cho gia đình, gom góp lại cũng đủ cất cái nhà khang trang để ba má, vợ con ở cho sạch sẽ. Bởi ai cũng nghĩ đến những lợi ích kinh tế như vậy nên dù hiểu vợ chồng sống xa nhau thì khổ đủ đường nhưng vẫn cắn răng chịu đựng. Có người đi xuất khẩu lao động, may mắn kiếm được chỗ làm lương kha khá thì có dư gửi về cho gia đình. Có người ít may mắn hơn thì lương tháng chỉ đủ tiền nhà, tiền ăn, dư được chút đỉnh gọi là chứ chẳng thể cất nhà to nhà lớn hay dành đủ vốn kinh doanh. Có người kém may mắn hơn nữa thì còn ôm nợ vì khi đi phải vay ngân hàng số tiền lớn để đi mà công việc bấp bênh, lương thấp, tiền dành dư cũng chưa trả đủ số vốn ban đầu vay để đi. Thành ra cái chuyện ra xứ người để đổi thay kinh tế thì cũng trăm chuyện để nói chứ không phải chỉ rặc một màu hồng.

Người đi xác nhận chịu khổ đã đành, người ở nhà cũng có được sung sướng đâu. Phận làm dâu phải ở nhà một tay chăm con nhỏ, một tay lo cha mẹ già. “Xa mỏi chân, gần mỏi miệng”, sống chung thể nào cũng có chuyện va chạm. Mẹ chồng con dâu ít thấy nhà ai hòa thuận được. Nội việc chăm cháu, chăm con, nuôi dạy thế nào đã lời qua tiếng lại ít nhiều. Thêm chuyện kinh tế dựa hết vào đồng lương chồng gửi về mà chẳng được quản lý, tiêu pha phải qua mẹ chồng. Cô nào nhẫn nhục chịu đựng được thì yên cửa yên nhà, cô nào cắn răng chịu không đặng đành ôm con về nhà mẹ đẻ, thôi thì tới đâu thì tới chứ hết chịu nổi rồi.

Cũng may thời giờ, cái quan niệm con gái xuất giá phải theo chồng, sống chết gì cũng phải ở nhà chồng không còn gay gắt như hồi xưa nữa, nên lấy chồng rồi mà không hạnh phúc thì cứ ôm con về. Nhà ngoại như nơi trú ẩn cuối cùng an toàn cho mấy mẹ con. Chuyện này thì thời giờ không còn hiếm nữa. Nên có người nói rằng không phải hôn nhân hồi xưa bền vững mà là phụ nữ hồi xưa giỏi chịu đựng. Chồng có ngược đãi cỡ nào cũng cắn răng chịu đựng sợ mang tiếng cho cha mẹ, gia đình. Giờ thì tư duy cởi mở hơn, con gái đi lấy chồng không hạnh phúc thì cứ ly dị. Nhờ vậy nên phụ nữ ngày nay không còn cam chịu như xưa, chủ động hơn.

Như trường hợp cô em đồng nghiệp của tôi, hai vợ chồng cưới nhau năm năm rồi mà cứ phải chịu cảnh vợ ở nhà, chồng đi làm trong thành phố. Một tháng chồng về được hai ba bữa thăm nhà. Có khi công việc bận rộn, áp lực mấy tháng liền mới về. Em kể khổ đủ đường. Hai đứa con nhỏ, sống cùng ba má chồng. Con cái thì bệnh lên bệnh xuống, mình em chăm, má chồng không phụ còn bóng gió nói này nói kia. Thêm mấy bà chị chồng ở gần bên lúc nào cũng để ý thêm dầu vào lửa, thành ra mối quan hệ giữa em với gia đình chồng không mấy tốt đẹp lắm.

Không biết trút tâm sự vào ai, em chỉ biết gọi chồng khóc lóc bắt về quê, đe dọa ly dị đủ kiểu. Chồng em cũng chẳng biết làm sao, công việc thì đang thuận lợi, được thăng chức, bỏ hết về quê thì tiếc, vả lại ở quê chắc gì kiếm được công việc khác ngon lành để lo kinh tế gia đình. Ở lại vì công việc thì phải xa vợ con, một mình tự lo cũng vất vả, cô đơn. Cứ vậy hai vợ chồng cắng đắng nhau hoài. Sau chịu hết nổi, em xin đi làm, con đi gửi nhà trẻ. Em bảo từ ngày đi làm đầu óc thảnh thơi hơn, bớt suy nghĩ tiêu cực. Tối về chỉ lo hai con tắm rửa đi ngủ, mấy mẹ con ru rú trong phòng ít tiếp xúc gia đình chồng nên cũng bớt lời qua tiếng lại. Nhiều khi buồn, lại ghen không biết chồng mình trong đó có theo cô nào không, gọi cho chồng cằn nhằn. Được cái chồng em thương vợ con, không lăng nhăng bên ngoài. Em thở dài, chẳng biết rồi kéo dài được bao lâu, chứ cái cảnh vợ một nơi chồng một nẻo mệt mỏi lắm.

Tâm sự của em cũng là nỗi lòng chung của bao nhiêu người phụ nữ phải chịu cảnh chồng xa. Nhà nào may mắn thì sau thời gian xa cách cũng thu xếp cùng nhau đoàn tụ gom về một mối. Nhà nào ít may mắn hơn thì đường ai nấy đi. Còn không nữa thì chồng hay vợ lăng nhăng bên ngoài, rồi sau cũng tụ họp, mà cũng chẳng mấy yên vui như thuở ban đầu. Tóm lại, đã nên duyên vợ chồng thì khó khổ cùng nhau gánh chung, đi đâu cũng nên có vợ có chồng, đói no cùng nhau chia sớt, có như vậy hôn nhân mới bền vững được.

PHAN NGÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bắc Bình: Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh
BTO-Huyện đoàn Bắc Bình vừa phối hợp với cụm thi đua số 2 của Huyện đoàn tổ chức hoạt động “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” tại chợ dân sinh thị trấn Lương Sơn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chồng xa