Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, nhưng chủ động có các giải pháp phát hiện kịp thời để ứng phó. Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế Bình Thuận đang thực hiện các giải pháp ấy.
Đậu mùa, đậu mùa khỉ gần giống nhau
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện đầu tiên ở khỉ vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên ghi nhận vào năm 1070 tại Congo. Bệnh này hiện nay xuất hiện ở hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới, với khoảng 200 ca mắc, hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh. Các trường hợp mắc bệnh được xác định bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chủng Tây Phi, giống chủng vi rút lây truyền từ Nigieria sang một số quốc gia năm 2018, 2019.
Tổ chức Y tế Thế giới dự báo số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, và sẽ có thêm ca mắc mới ở những quốc gia chưa từng có bệnh này. Với sự giao thương đi lại cao sau khi kiểm soát dịch Covid-19, nguy cơ lây bệnh này có thể bùng phát mạnh nếu các quốc gia không kịp thời có những biện pháp phòng ngừa chủ động.
Bác sĩ Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá những người được tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đây sẽ có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ, nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Người có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên được tiêm phòng bệnh đậu mùa. Còn những người sinh từ năm 1980 trở lại đây thì không có tiêm phòng đậu mùa. Bởi bệnh đậu mùa trên toàn cầu được công nhận thanh toán vào năm 1980. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Bệnh đậu mùa khỉ thường thấy ở châu Phi; tỷ lệ tử vong chiếm 3 - 6%. Bệnh này có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, qua tiếp xúc các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như mền, ga gối.
Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh 5 - 21 ngày (thường từ 6 -13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ gây phát ban nhiều hơn, vết sẹo cũng nhiều. Khi có dấu hiệu phát ban, người bệnh nên đến bệnh viện, trung tâm y tế để được theo dõi và xác định. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế cũng có những giải pháp ứng phó cho các tình huống.
Giám sát ca bệnh
Để chủ động giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các bệnh phòng chống dịch, hạn chế tối đa số ca mắc, tử vong, Sở Y tế Bình Thuận yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu (cảng biển), nhất là các trường hợp đi - đến - về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ. Đó là Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Công Gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Với tình hình bệnh đậu mùa khỉ, người dân không quá lo lắng, hoang mang, mà tuân thủ các biện pháp phòng chống tạm thời do Sở Y tế khuyến cáo. Đó là tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.