Cơ quan chủ trì đề tài (Đài Khí tượng Thủy văn) báo cáo tại hội thảo cho hay, Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, tổng lượng mưa hàng năm mức trung bình, phân hóa mạnh theo không gian, lượng bốc hơi lớn; số giờ nắng lại cao. Do đó, hạn hán thường xảy ra trên địa bàn tần suất 2 - 3 năm/lần; hạn vừa và hạn nặng 4 - 5 năm/lần, chủ yếu vào vụ đông xuân từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mức độ hạn nghiêm trọng thường diễn ra ở các huyện phía bắc tỉnh như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc…
Đề tài đã đưa ra giải pháp với ngành nông nghiệp địa phương cần tích cực đầu tư làm thủy lợi vừa và nhỏ, xây dựng các hồ chứa nước nhỏ ở huyện Tuy Phong, Bắc Bình, thu trữ nước trong mùa mưa, cung cấp nước mùa khô để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân. Các tổ chức, hộ sản xuất cần sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vừa giảm lượng nước dư thừa vừa đảm bảo nguồn nước ngầm không bị ô nhiễm hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật. Ngành chủ quản địa phương lập thêm một số trạm quan trắc những điểm xung yếu để nghiên cứu diễn tiến mặt nước, nước dưới đất, ao hồ sông suối, quan trắc nước thời gian tới để đảm bảo công tác quản lý tình hình tài nguyên nước trong tỉnh. Cùng đó, đề tài cũng đã đưa ra hệ thống phần mềm giám sát, cảnh báo hạn hán đảm bảo cung cấp thông tin về hạn hán thực tế địa phương, giúp các đơn vị quản lý có các phương án phòng chống, ứng phó hạn hán thích hợp…