Trong các câu chuyện lúc khề khà ly bia hay bên tách cà phê, nghe bạn hỏi dạo này có viết lách gì không, câu hỏi tưởng chừng xã giao mà động đến nỗi niềm sao lâu nay mình biếng nhác với cây bút và tờ giấy, bây giờ là với bàn phím. Thế là cảm thấy áy náy, cảm thấy mình có lỗi với niềm tin của bạn văn đã đặt trọn vẹn nơi mình. Đọc báo thấy bài của bạn in trang trọng, tâm tư thôi thúc mình không được xao nhãng trong sáng tác. Thế là lại cầm bút hay bấm nút khởi động máy vi tính.
Tuy Phong có nhà văn khẳng định tài năng từ những năm 1950 là nhà văn – liệt sĩ Yên Hy Ba sinh trưởng ở làng Duồng, nay là xã Chí Công. Hơn hai mươi năm sau ngày anh hy sinh, các truyện ngắn của anh đăng rải rác trên báo chí TP. Hồ Chí Minh đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận in thành tập Truyện ngắn Yên Hy Ba. Tập truyện ngắn này là cái tình của những người em, người văn nghệ đồng hương tưởng nhớ một nhà văn tiên phong của miền quê hương thiếu mưa thừa nắng.
Trong buổi sáng thân tình cà phê tặng sách mới xuất bản của anh em hội viên Tuy Phong, anh Trương Trọng Quang cầm quyển tuyển tập truyện ngắn Trương Trọng Quang trên tay, tập truyện chỉ vài trăm trang mà xem chừng nặng trĩu, có lẽ vì anh quá xúc động. Anh nói: Tôi in tập truyện này vì nghe lời anh Khuê động viên, ảnh nói anh Quang phải in một tập truyện để vài năm nữa còn có cái đặt lên… bàn thờ. Trời đất! Đúng là tôi có nói câu đó với anh Quang, vì anh lăn lộn ở TP. Hồ Chí Minh bao nhiêu năm với nghề báo, rồi sáng tác văn, thơ mà không tập hợp in chung một tập, mai này bản thảo rơi rớt hết làm sao? Chí ít ra khi anh cho ra đời tuyển tập truyện ngắn Trương Trọng Quang, bạn bè và con cháu anh sẽ còn kỷ vật của một người bạn, một người ông người cha miệt mài với con chữ bao năm. Anh cám ơn tôi nhưng tôi cho rằng tôi động viên anh in sách là vì cái tình văn nghệ, bởi nếu anh sáng tác suốt một thời thanh niên đến thời quá độ… lên nghĩa trang mà không in lấy một tác phẩm thì… xót xa cho những đứa con tinh thần của anh quá xá, mà anh đâu còn nhiều thời gian để đắn đo suy ngẫm.
Cùng lứa ngoài bảy mươi với anh Trương Trọng Quang, ở Phan Rí còn có anh Trần Thế Mỹ - tức nhà thơ Trần Yên Thế, anh Phạm Tình tức Phạm Bình và anh Tô Duy Thạch. Cả 3 anh đều có thơ trình làng trong những năm 1960 nhưng đến nay vẫn chưa in tập thơ riêng. Trong số các nhà thơ định danh trước 1975 ở Phan Rí, ngoài 3 anh trên chỉ có anh Nguyễn Duy Sinh nhanh tay in tập thơ Dọc miền trầm tích gió năm 2010 và liền đó được trao giải Văn học Nghệ thuật Dục Thanh của tỉnh nhà.
Anh Trần Yên Thế trước khi hưu trí là Trưởng Đài Phát thanh – Truyền hình huyện Tuy Phong. Anh em trong Chi hội Tuy Phong nhỏ to trì kéo dữ lắm anh Trần Yên Thế mới chọn lọc 54 bài trong hàng trăm bài thơ đã làm mấy chục năm qua để in thành tập Gió còn thổi bên hiên, phát hành vào tháng 5 năm 2018. Nếu tập thơ của anh Trần Yên Thế được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ xuất bản thì tập truyện của Trương Trọng Quang chỉ được hỗ trợ sáng tác, nên anh Quang phải khều thêm tiền vợ kha khá mới “đẻ” được đứa con đầu lòng.
Nhà thơ “trẻ” Dương Hoàng Hữu nài nỉ ỉ ôi nhà thơ lớn tuổi Phạm Bình mấy tháng trời, rồi gò lưng đánh vi tính bản thảo tập thơ Lời ru của biển của Phạm Bình để chi hội đề nghị Hội tỉnh hỗ trợ xuất bản. Cuối năm nay chắc chắn nhà thơ Phạm Bình sẽ mừng sinh nhật lần thứ 75 của mình cùng lúc tập thơ đầu tay ra đời.
Còn nhà thơ Tô Duy Thạch được anh em trìu mến đặt bút hiệu Nhà thơ để gió bay đi vì anh không chịu in tập, bởi anh quan niệm làm thơ chỉ… để gió bay đi. Nhưng mới đây, anh Nguyễn Hồ Nam kiên trì năn nỉ nên anh cũng đã xiêu lòng. Hiện nay anh Nam đã tập họp và đánh vi tính hoàn chỉnh bản thảo tập thơ của Tô Duy Thạch, dự kiến xuất bản trong năm 2019.
Nếu không có cái tình muốn bạn mình xuất bản tác phẩm, giúp đỡ cho đứa con so tinh thần của bạn mình ra mắt mọi người của Dương Hoàng Hữu, của Nguyễn Hồ Nam thì các nhà thơ U 80 ở Phan Rí chắc chắn không có cái… đặt trên bàn thờ sau này.
Sẽ chỉ ưu ái các nhà thơ nếu không nhắc đến nhà viết tiểu thuyết Nguyễn Phương. Tuy Phong chỉ mỗi Nguyễn Phương viết tiểu thuyết, anh viết xong đã có Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản và phát hành. Quyển tiểu thuyết thứ hai của anh được nhà xuất bản này cho ra lò là quyển Đi qua dĩ vãng đã được thưởng đúp: giải C Dục Thanh Bình Thuận năm nay và giải khuyến khích của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 2017.
Mảng văn học dân gian ở hội vừa được bổ sung một thầy giáo dịch thuật được các văn bản tiếng Chăm cổ. Khi Kinh Duy Trịnh cho biết có sưu tầm, dịch thuật một số truyện cổ Chăm, tôi đã động viên anh gửi cho Chi nhánh phía Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng. Và Truyện cổ Chăm tập 1 đã ra đời, anh Trịnh đang đón tin vui vào dịp cuối năm 2018 này: tập 2 Truyện Cổ Chăm sẽ ra mắt bạn đọc.
Có thể nói các tác phẩm của văn nghệ sĩ Tuy Phong ra đời đều có hơi thở ấm áp chân tình của anh em văn nghệ trong chi hội. Và tất nhiên cũng nhờ nguồn kinh phí từ quy chế hỗ trợ xuất bản mà Hội Liên hiệp VHNT và Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận đã phân bổ mà chỉ trong 2 năm 2017 – 2018, anh em văn nghệ sĩ Tuy Phong đã xuất bản tới 8 tác phẩm, 6 của cá nhân và 2 của tập thể. |
HỒ ViỆt Khuê