Theo dõi trên

Tại sao thuyền trưởng né cảng cá chỉ định?

13/05/2025, 05:02

Thời gian gần đây, việc quản lý và kiểm soát tàu cá xuất/nhập bến, nhất là nhóm tàu cá từ 15 m trở lên cũng như giám sát sản lượng lên bến và truy xuất nguồn gốc thủy sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Qua đó, gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tàu cá và ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Sản lượng kiểm soát qua cảng còn hạn chế

Toàn tỉnh hiện có hơn 8.400 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên (trong đó có hơn 2.000 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên), nhưng chỉ khoảng 1/2 tàu cá trong số đó cập vào 5 cảng cá trong tỉnh gồm: Cảng Phan Thiết, Phú Hải (TP. Phan Thiết), cảng Phan Rí Cửa, cảng Liên Hương (huyện Tuy Phong) và cảng La Gi (thị xã La Gi) để bán sản phẩm. Số tàu còn lại đa số về các bãi ngang, bến tạm như Mũi Né, Kê Gà, Tân Thắng, Phước Thể… để bán cá, lấy nhiên liệu, sau đó đến cảng cá chỉ định để làm thủ tục xuất, nhập bến.

z6361177964876_fb4ca141b9fcc183b3572ea9f2d1c0c1.jpg
Toàn tỉnh hiện có hơn 8.400 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, công tác kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến tuy có nhiều cố gắng, nhưng tỷ lệ tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng còn thấp so với tổng số tàu cá đăng ký (8.562 chiếc). Từ đầu năm đến nay, Bội đội Biên phòng thực hiện đăng ký kiểm chứng 9.521 lượt tàu cá xuất/nhập bến (xuất bến 5.273 lượt tàu, nhập bến 3.948 lượt tàu), các Ban Điều hành cảng cá thống kê được 13.849 lượt tàu cá cập/rời cảng (rời cảng 6.861 lượt tàu, cập cảng 6.988 lượt tàu, trong đó có 5.569 lượt tàu cập cảng bốc dỡ sản phẩm), đồng thời sản lượng khai thác được kiểm soát qua cảng còn rất hạn chế. Sản lượng thủy sản thống kê qua cảng từ đầu năm đến nay là 7.213 tấn, chỉ chiếm 9,8% tổng sản lượng khai thác 4 tháng đầu năm (khoảng 73.300 tấn).

z3681152606288_e8f5b663e1d7df9911a05f46a826e603.jpg
Sản lượng hải sản qua cảng chỉ chiếm 9,8% tổng sản lượng khai thác 4 tháng đầu năm.

Theo lãnh đạo Cảng cá Phan Thiết, quy định của Luật Thủy sản năm 2017 bắt buộc tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, thuyền trưởng phải tuân thủ các thủ tục khi cập cảng chỉ định, để ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát hồ sơ, thủ tục sản xuất xa bờ, nhất là giám sát hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Cùng với đó là để xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác để có thể đáp ứng quy định khi xuất khẩu hải sản chế biến vào thị trường châu Âu và các thị trường khác. Đây cũng là điều kiện để gỡ “thẻ vàng” theo quy định của EC, nhưng nhiều trường hợp tìm cách né tránh.

z5714539026796_74ff1eff16c353801379c5242f747404.jpg
Nếu cập cảng chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo với Ban quản lý cảng cá trước 1 giờ.

Nhiều ngư dân cho biết, nếu cập cảng chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo với Ban quản lý cảng cá trước 1 giờ để họ kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và nhiều loại giấy tờ, thủ tục khác. Nếu không đảm bảo thì không cho tàu cập cảng, như vậy ngư dân sẽ không bán được sản phẩm. Những tàu cá nào chỉ bán sản phẩm cho nậu vựa cung cấp hàng chợ, phân phối trong nước, không cần xác nhận nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác phục vụ xuất khẩu, đa số đều đưa tàu về bến tạm, bãi ngang để việc thu mua hải sản thuận lợi hơn.

z6171618194171_8dbcaeeedacf3712cbe83aa11691c57e.jpg
Đa số tàu thuyền đều về bến tạm, bãi ngang để thu mua hải sản.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Sở đang thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn, giúp doanh nghiệp tìm đầu ra nguyên liệu sạch, xuất khẩu thuận lợi hơn trong tháng 5 này.

Tăng cường kiểm soát tàu cá

Ngoài ra, việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản cũng gặp nhiều vướng mắc, khiến các doanh nghiệp có những đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU gặp khó khăn, khi đỏ mắt tìm nguyên liệu sạch. Từ đầu năm đến nay, cảng cá chỉ cấp 10 giấy xác nhận nguồn gốc/60,5 tấn hải sản các loại; Chi cục Thủy sản và Biển đảo cấp 26 giấy chứng nhận nguồn gốc/109,4 tấn hải sản. Vấn đề này đang là điểm nghẽn, nguyên nhân là do bên cạnh việc sản phẩm thủy sản khai thác từ tàu cá không đảm bảo quy định IUU để làm thủ tục xác nhận nguồn gốc, thì các bên liên quan (chủ tàu, nậu vựa, doanh nghiệp, cảng cá) chưa có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ để thực hiện.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảng của tàu cá, nhất là tại các khu vực bãi ngang cũng là một trong những nội dung quan trọng trong chống khai thác IUU. Với đặc thù bãi ngang trên địa bàn tỉnh dài và rộng, nên rất dễ xảy ra tình trạng ngư dân cập tàu vào các khu vực này để bán hải sản, vừa không đảm bảo an toàn, vừa vi phạm quy định IUU. Chính vì vậy, thời gian qua, Văn phòng Đại diện Kiểm soát nghề cá ở các cảng cá và các Đồn/trạm Biên phòng đã phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, hoạt động trên biển, trên sông bến tạm, bãi ngang; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá không đảm bảo điều kiện hành nghề (không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác, không đánh dấu tàu cá, không lắp đặt VMS...); tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến; tàu cá không tuân thủ quy định cập cảng, ghi, nộp nhật ký/báo cáo khai thác... Qua đó, kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý những tàu cá không cập cảng chỉ định để tránh nộp phí, thuế... Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 85 vụ/589,25 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

z6440732159712_78f08fbbc73f8b24aa28bbace1da0744.jpg
Ngành chức năng tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng.

Để siết chặt tàu cá qua cảng, lãnh đạo BQL Cảng cá Phan Thiết kiến nghị: Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên không vào cảng để bốc dỡ sản phẩm; đặc biệt là các trường hợp tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên không cập cảng cá chỉ định có tên trong danh sách do Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố. Các ngành chức năng tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về ghi nhật ký khai thác, thu mua/chuyển tải thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản cho ngư dân hiểu đúng, ghi đúng, nâng cao chất lượng nhật ký phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác.

z5443037541213_1dd6018b27df4d4ebbdae617524a2c32.jpg
Sớm nạo vét vùng nước cập tàu, luồng vào cảng tại cảng cá Phú Hải, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm.

Bên cạnh đó, yêu cầu các Đồn/Trạm Kiểm soát biên phòng tuyến biển triển khai chặt chẽ, đảm bảo tàu cá hoạt động trên biển phải đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Trường hợp phát hiện tàu cá chưa thực hiện khai báo nhập/xuất bến trên Hệ thống eCDT thì yêu cầu thực hiện trước khi giải quyết thủ tục nhập/xuất bến. Ngoài ra, BQL Cảng cá Phan Thiết mong muốn các đơn vị chức năng quan tâm, đề xuất phương án, nguồn lực tài chính tham mưu UBND tỉnh sớm nạo vét vùng nước cập tàu, luồng vào cảng tại cảng cá Phú Hải vừa được công bố cảng cá chỉ định, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm, phục vụ công tác giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác theo quy định của pháp luật.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2025
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2025.
Nổi bật
Tại sao thuyền trưởng né cảng cá chỉ định?
Thời gian gần đây, việc quản lý và kiểm soát tàu cá xuất/nhập bến, nhất là nhóm tàu cá từ 15 m trở lên cũng như giám sát sản lượng lên bến và truy xuất nguồn gốc thủy sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Qua đó, gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tàu cá và ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao thuyền trưởng né cảng cá chỉ định?