Theo dõi trên

Chú ý tai nạn đường sắt dịp cuối năm

17/11/2022, 05:33

Mặc dù các cơ quan chức năng và địa phương đã nỗ lực tuyên truyền và thực hiện các biện pháp cảnh báo tại các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt. Tuy nhiên tai nạn đường sắt tại các điểm giao cắt với đường ngang, đường dân sinh vẫn diễn ra, đe dọa đến an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Tiềm ẩn tai nạn trên tuyến đường huyết mạch

Tuyến đường sắt Bắc – Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Hàng ngày có hàng chục chuyến tàu vận chuyển hàng hóa và hành khách đi lại. Do vậy một khi có sự cố hay tai nạn nghiêm trọng dẫn đến ngưng chạy tàu, thì thiệt hại cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân là rất lớn. Tại tuyến đường sắt qua địa bàn Bình Thuận đã có rất nhiều vụ tai nạn dẫn đến phải hoãn lịch trình các chuyến tàu. Trong đó nghiêm trọng và gần nhất là vụ tai nạn giữa ô tô 16 chỗ và tàu hỏa tại đường ngang thuộc khu vực Ga Sông Lòng Sông, xã Phong Phú (Tuy Phong) khiến 3 người tử vong, 1 người nguy kịch vào tối 31/7/2019. Ngoài ra một số vụ tai nạn và sự cố chạy tàu khác gần đây cũng làm dấy lên lo ngại, nhất là thời điểm cuối năm.

z3880616044539_9408ec694bb73a7f2180eabea7ef1f60.jpg
Một điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh và đường sắt trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc.

Mới đây ngày 12/11, một vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) khi người đàn ông đi xe máy cố tình băng qua đường ngang giao cắt với đường sắt, dù barie tự động bắt đầu hạ xuống, chuông tín hiệu phát lên vì tàu hỏa đang đến. Hậu quả người này bị tàu hỏa tông gãy chân, xe máy hư hỏng nặng. Hay vụ tai nạn chết người xảy ra tại xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam) khi người đàn ông điều khiển xe máy cố tình chui qua barie hạ xuống khi tàu đến. Cả 2 vụ việc trên và 5 vụ TNGT đường sắt khác từ đầu năm 2022 đến nay, đều có một nguyên nhân chung là thiếu ý thức và chủ quan của người dân.

Nỗ lực xóa đường ngang dân sinh

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, Bình Thuận có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua dài hơn 177 km và tuyến đường sắt nhánh từ Ga Bình Thuận (Mương Mán) đến Ga Phan Thiết dài hơn 9 km. Hiện qua thống kê, có 178 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó 64 đường ngang hợp pháp (7 đường ngang có người gác chắn, 42 đường ngang có phòng vệ bằng biển báo tự động, 15 đường ngang phòng vệ bằng biển báo). Đặc biệt tồn tại đến 114 lối đi tự mở nguy hiểm qua đường sắt.

Chia sẻ với sự quan tâm của người dân đối với nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đường sắt, ông Nguyễn Tú Tuấn, Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh cùng các ban, ngành và địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp cảnh báo tại các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt nên có sự chuyển biến về nhận thức của người dân đối với ATGT đường sắt. Tuy nhiên tuyến đường sắt qua địa bàn Bình Thuận còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Nguyên nhân là do đoạn đường sắt qua Bình Thuận dài và tồn tại nhiều điểm giao cắt với đường dân sinh, lối đi tự mở. Ngoài ra, một bộ phận người dân khi tham gia giao thông và sống dọc hành lang đường sắt chưa có ý thức cao đối với ATGT đường sắt, còn chủ quan, thiếu chú ý khi qua đường sắt.

Hiện nay Bình Thuận cũng đang nỗ lực xóa bỏ các lối đi tự mở qua thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐTTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh sẽ xóa bỏ, hạn chế các lối đi tự mở, kể cả các vị trí đang tổ chức cảnh giới. Để triển khai theo lộ trình trên, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương có tuyến đường sắt đi qua và các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp, trong đó phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt, rà soát, cập nhật, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt; quy hoạch giao thông khu vực để xây dựng đường ngang phù hợp với thực tế. Tổ chức kiểm tra, rà soát các lối đi tự mở vào một số hộ dân, để tổ chức phân luồng giao thông hoặc bố trí tái định cư để di dời các hộ dân, kết hợp phương án xây dựng đường gom, hàng rào để xóa bỏ các lối đi tự mở. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra các lối đi tự mở, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt. Tại cuộc họp toàn quốc của Chính phủ về công tác đảm bảo an toàn giao thông toàn quốc vào tháng 7/2022, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị về kinh phí để thực hiện đề án trên.

“Trước mắt, để đảm bảo ATGT, người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông, chú ý tuân thủ tín hiệu, biển cảnh báo khi đi qua các điểm giao cắt với đường sắt. Riêng người dân sống dọc 2 bên tuyến đường sắt không tự ý mở lối đi trái phép qua đường sắt. Cần tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, nhằm phòng tránh những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, nhất là dịp cuối năm khi lưu lượng tàu chạy gia tăng”, ông Nguyễn Tú Tuấn cho biết thêm.

PHÚC SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Còn đó rủi ro tai nạn trên quốc lộ 1A đoạn nam Phan Thiết
Mặc dù QL1A đoạn nam Phan Thiết đã được đầu tư nâng cấp sửa chữa mở rộng nhiều đoạn và cầu hẹp, nhưng diễn biến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên đoạn đường này vẫn còn phức tạp, khi nhiều đoạn còn hẹp và chưa có dải phân cách. Do vậy người lưu thông phải hết sức chú ý với tai nạn giao thông (TNGT).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chú ý tai nạn đường sắt dịp cuối năm