Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc (gọi tắt Đại hội) là sự kiện thể thao có quy mô lớn nhất ở nước ta được tổ chức 4 năm một lần theo 3 cấp: cấp xã, phường, thị trấn; cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là ngày hội thể thao lớn khắp cả nước, để từ đó góp phần thực hiện ngày càng hiệu quả hơn cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Để công tác tổ chức đại hội đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương triển khai công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
Theo Bộ VHTT&DL, đại hội còn mang ý nghĩa tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về lợi ích, vai trò của tập luyện thể dục, thể thao trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đào tạo con người phát triển toàn diện trong giai đoạn mới.
Nhiều năm qua, ở các kỳ Đại hội thể thao các cấp đã phát hiện, tuyển chọn vận động viên có thành tích xuất sắc đóng góp phát triển thể thao thành tích cao cho địa phương và quốc gia. Riêng Bình Thuận đã có nhiều gương mặt mới, trong làng thể thao quốc gia và trong khu vực như: Nguyễn Thị Lệ Kim, Nguyễn Thị Kim Hà, Trần Phương Nhung (Taekwondo), Nguyễn Nhạc Như An, Nguyễn Thành Hoan (Kurash), Phạm Ngọc Phan, Triệu Tiến Luyện...
Để chuẩn bị tốt cho Đại hội TDTT các cấp, Bộ VHTTDL cũng yêu cầu các địa phương tăng cường đầu tư cải tạo và nâng cấp sơ sở vật chất, trang thiết bị thể dục thể thao ở cơ sở; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên, trọng tài thể dục thể thao các cấp. Qua đó, đánh giá kết quả phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước giai đoạn 2023-2026.
Bộ VHTT&DL cũng mong muốn các địa phương tích cực huy động các nguồn lực của xã hội đóng góp vào việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế thể thao, cơ sở vật chất, dụng cụ thể thao và công tác tổ chức đại hội các cấp...
Đối với cấp xã, thi đấu từ 5 môn thể thao trở lên, tập trung vào các môn thể thao được nhân dân yêu thích. Tùy điều kiện cụ thể, ưu tiên tổ chức các môn Điền kinh, Bơi, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Đá cầu... các môn thể thao dân tộc và trò chơi vận động dân gian phù hợp truyền thống của địa phương tại chính xã phường, thị trấn. Với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện tổ chức riêng thì có thể tổ chức theo cụm xã, cần lựa chọn địa điểm tổ chức cho phù hợp để tiện cho việc đi lại của nhân dân.
Đối với cấp huyện, Đại hội TDTT thi đấu từ 10 môn thể thao trở lên, trong đó có các môn Điền kinh, Bơi, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn ... các môn võ và các môn thể thao được nhân dân yêu thích. Tùy điều kiện cụ thể có thể tổ chức các môn thể thao dân tộc phù hợp truyền thống của địa phương, trên địa bàn huyện, quận, thị xã. Riêng các huyện đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã, tùy điều kiện cụ thể tổ chức từ 8 môn thể thao trở lên, tập trung vào các môn thể thao được nhân dân yêu thích phù hợp truyền thống của địa phương. Sau đó, Đại hội TDTT cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức từ 15 môn thể thao trở lên, tập trung tổ chức các môn thể thao trọng điểm, các môn truyền thống của địa phương, các môn thể thao dân tộc.