Cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn Hàm Tân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chủ trì phối hợp với UBND Hàm Thuận Nam và các đơn vị liên quan, triển khai các phương án bảo đảm an toàn, an ninh, phân luồng tổ chức giao thông, y tế, phòng cháy chữa cháy tại khu vực tổ chức Lễ khánh thành.
Đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ, đưa đón đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự lễ khánh thành. Giao Công ty Viễn thông Bình Thuận phối hợp Ban Quản lý dự án Thăng Long và Báo Giao thông đảm bảo công tác kết nối truyền hình trực tuyến và thông tin liên lạc phục vụ lễ khánh thành; Công ty Điện lực Bình Thuận đảm bảo nguồn điện lưới tại khu vực tổ chức lễ.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn thi công Hàm Thuận Nam
Văn phòng UBND tỉnh cung cấp danh sách đại biểu khách mời của tỉnh để Bộ Giao thông Vận tải mời dự lễ. Sở Giao thông Vận tải, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các đơn vị liên quan tổ chức, đảm bảo công tác hậu cần, đón tiếp các đại biểu của các cơ quan trung ương đến tham dự buổi lễ.
Thi công thảm nhựa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Trước đó, ngày 24/4 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định 487/QĐ –BGTVT về kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam, phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 đoạn Mai Sơn –QL 45 và Phan Thiết – Dầu Giây. Thời gian tổ chức khánh thành đồng loạt vào 8g sáng ngày 29/4/2023 tại Bình Thuận và Thanh Hóa; trong đó điểm cầu chính tại Km 0 +000 xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (thuộc dự án Phan Thiết – Dầu Giây); điểm cầu còn lại tại Thanh Hóa, cụ thể là phía nam hầm Thung Thi (km 37+ 740) thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (thuộc dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45).
Việc tổ chức Lễ khánh thành 2 dự án cao tốc trên là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt chính trị, kinh tế xã hội. Khẳng định sự quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ban ngành, UBND các tỉnh, các nhà thầu trong thi công xây dựng công trình, như cam kết ban đầu được Chính phủ đưa ra.