Cụ thể kể từ ngày 15/3 tới đây, Việt Nam mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường không hàng, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Có thể nói đây là tin rất vui đối với du lịch cả nước nói chung và du lịch địa phương nói riêng, bởi toàn ngành đã trải qua hơn 2 năm thiếu vắng khách quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch. Tại Bình Thuận, ngành “công nghiệp không khói” cũng dần khởi sắc khi trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua đã đón hơn 75.000 lượt khách. Còn theo ghi nhận của Cục Thống kê, ngay trong tháng đầu năm nay toàn tỉnh đón khoảng 71.100 lượt khách (tăng 3,44% so tháng trước đó) với doanh thu ước đạt 57 tỷ đồng (tăng hơn 3% so tháng cuối năm ngoái). Riêng khách quốc tế chọn Bình Thuận là điểm đến nghỉ dưỡng trong tháng này có khoảng 2.100 lượt (tăng 4,49%), nhưng chủ yếu là chuyên gia và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam…
Như vậy chỉ còn nửa tháng nữa là Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế trở lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19". Đối với địa phương, thời gian qua ngành du lịch cũng mong muốn và luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón khách nước ngoài trở lại, dù gì thì thương hiệu “Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận” cũng là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Trong khi đó theo dữ liệu phân tích trên công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch), lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã tăng dần kể từ cuối năm ngoái. Đặc biệt tăng đột biến vào thời điểm giữa tháng 2/2022, thắp lên hy vọng cho ngành du lịch nước ta thêm cơ hội phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Kết quả cho thấy trong 10 điểm đến của Việt Nam được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất có địa danh Phan Thiết, bên cạnh các điểm đến: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Quy Nhơn, Vũng Tàu.
Tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển” diễn ra trước thềm năm mới 2022, ông Zurab Pololikashvili - Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã tham gia đóng góp ý kiến. Đáng chú ý, đại diện UNWTO có chỉ ra một số xu hướng đang đi lên và rằng đại dịch đã thúc đẩy sự quan tâm tới những trải nghiệm du lịch độc đáo, chân thực nên khách du lịch muốn cảm thấy thật sự hiểu biết về nơi mình đến thăm. Điều này mở ra cơ hội cho các điểm đến đa dạng hóa ngành du lịch, đồng thời ẩm thực, văn hóa, thể thao và các hoạt động mạo hiểm… tất cả đều kết nối chặt chẽ hơn với du lịch. Với đất nước hình chữ S, ông Zurab Pololikashvili cũng cho rằng có cơ hội thể hiện là một điểm đến an toàn và đa dạng, từ đó cần tăng cường quảng bá để tiếp cận, phát triển lượng khách tốt hơn…
Sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại, Bình Thuận vẫn còn đó sức hút từ lợi thế về tài nguyên thiên nhiên gắn với nền văn hóa đa dạng, phong phú và mang nét đặc trưng riêng. Du lịch địa phương cũng đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ nghỉ dưỡng với gần 600 cơ sở lưu trú (gồm hơn 17.580 phòng) hoạt động kinh doanh, đó còn chưa tính cả ngàn căn hộ, biệt thự du lịch… Vấn đề còn lại, du lịch địa phương cần tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm tăng cường giới thiệu hình ảnh điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn” ra bên ngoài. Nếu điều kiện cho phép, thời gian tới Bình Thuận có thể phối hợp tổ chức những sự kiện tạo tiếng vang thu hút khách quốc tế, tương tự như một số hoạt động mang tầm quốc tế từng diễn ra tại địa phương: Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA, Festival Thuyền buồm quốc tế, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam…