Theo dõi trên

Chừng mực trong cuộc sống

02/12/2022, 05:49

Sống giữa cộng đồng, xã hội, mỗi người thường có những biểu hiện tâm lý, hành động khác nhau. Trước những trạng huống, người ta rất cần sự chừng mực, vừa phải trong mọi việc, hoạt động.

Chừng mực trong cảm xúc

Tiếp xúc với người trong gia đình, ở ngoài xã hội mỗi ngày, mỗi người ai cũng có những cảm xúc. Khi này là vui, lúc khác lại buồn. Có khi là sự giận dữ vô cùng. Có lúc lại là sự thương yêu rất mực. Cảm xúc mỗi người càng được bộc lộ rõ trong những tình huống gay cấn, đặc biệt.

Người giữ được sự chừng mực, vừa phải trong cảm xúc là người kiềm chế được cảm xúc của mình, vui không vui quá, buồn cũng không để quá buồn, giữ không quá giận dữ, ghét ghen. Nếu không vì lý do bệnh lý, thì chừng mực trong cảm xúc có thể giúp người ta giữ được lòng an, không quá bị chi phối bởi ngoại cảnh.

Chừng mực trong lời nói

Giữ sự chừng mực vừa phải trong lời ăn tiếng nói, ngoài việc thể hiện sự điềm đạm của người nói, đó còn là giữ được những lời nói không quá nặng nề. Thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy: bên cạnh rất nhiều lời nói nhã nhặn, dễ tạo thiện cảm trong lòng người nghe, đem lại hiệu ứng tốt đẹp trong giao tiếp; thì cũng không ít trường hợp, người ta ăn nói rất khó nghe với nhau. Có rất nhiều trường hợp, lời nói quá thô lỗ, quá nặng nề làm tổn thương người nghe, người đón nhận. Những lời nói ấy có khi được phát ra giữa những trạng thái ganh ghét, hoặc giữa cơn giận dữ tột cùng của người nói. Và người nghe lúc ấy cũng sẽ vô cùng ngỡ ngàng, đau đớn khi đón nhận. Những người nói – người nghe là của nhiều mối quan hệ khác nhau: bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, người chung mái trường, người ngoài xã hội… Trong lời nói cần sự chừng mực, vừa phải, dù nói trong hoàn cảnh vui hay không, thuận thảo trong đối thoại hay không. Lời nói chừng mực, vừa phải, không đi theo chiều quá khích, quá bị kích động; hoặc quá yếu mềm.

Kiềm chế được lời nói, để có sự vừa phải, cả trong gia đình và ngoài xã hội, dễ đạt được sự hiệu quả trong giao tiếp, quan hệ.

Chừng mực trong hành động

Người giữ được sự chừng mực trong hành động, để hành động không quá đà, chịu được sự kiểm soát của lý trí. Người giữ được sự vừa phải trong quan hệ với người khác, hành động có giới hạn, kiềm chế được, không để xảy ra điều bất ổn. Bởi trong thực tế cuộc sống, có biết bao điều không thuận thảo phát sinh, trong cơ quan, trong gia đình, giữa hàng xóm với nhau, cả trong lớp học, giữa những bạn bè.

Quá đà trong cảm xúc, dễ dẫn đến quá đà trong lời nói. Rồi cũng từ quá đà trong lời nói, dễ dẫn đến hành động khó kiểm soát. Và khi đã là sự khó kiểm soát trong hành động, nhiều hệ lụy sẽ xảy ra.

Ngày nay, ở giữa nhiều mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội, có biết bao vấn đề phát sinh, mỗi người có lẽ cần giữ được sự chừng mực, vừa phải trong cảm xúc, trong lời nói, trong hành động. Sự chừng mực, vừa phải ấy, phải chăng, tạo cho mỗi người tự kiểm soát chính bản thân mình trong các mối quan hệ đa dạng nói trên.

KHẢI MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khám bệnh, cấp thuốc cho đồng bào Rai
Trong các hoạt động kỷ niệm 33 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân và 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chừng mực trong cuộc sống