Theo dõi trên

Chúng ta biết gì về đóng góp của hoàng tộc Chăm trong “Tuần lễ vàng”

06/05/2022, 05:17

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập”.

Sự kiện trên không chỉ giúp Chính phủ cách mạng non trẻ vượt qua những thiếu thốn về tài chính mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của nhân dân.

chham.jpg

Ở Bình Thuận sự hưởng ứng và ủng hộ của hoàng tộc Chăm với “Tuần lễ vàng” lúc bấy giờ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, chung sức đoàn kết cùng chính quyền cách mạng non trẻ khắc phục khó khăn. Thế nhưng họ đóng góp bao nhiêu và những vật chất gì; đó là câu hỏi của nhiều người đặc biệt là một bộ phận con cháu dòng dõi hậu duệ vua Chăm dòng Pô Klong Mơh Nai. Để góp phần trả lời câu hỏi này, chúng tôi trích dẫn từ các nguồn tài liệu liên quan.

Dẫn từ các nguồn tài liệu

Những năm 1990 - 1992, trong thời gian Sở Văn hóa Thông tin khảo cứu sưu tập di sản cung đình Chăm để lập hồ sơ khoa học. Mà trực tiếp là chúng tôi được tiếp cận toàn bộ sưu tập cung đình do các đời vua Chăm ở nửa đầu thế kỷ XVII để lại. Cụ thể là triều vua Pô Klong Mơh Nai (1622 - 1627) và vua Pô Klong Khul (1627 - ?). Được thỏa sức ngắm nhìn những bí mật của bộ sưu tập quý hiếm mà trước giờ ít người được biết đến một cách đầy đủ như vậy. Không những vậy, chúng tôi còn phải cân, đo, đong đếm để thẩm định giá trị niên đại, giá trị lịch sử, văn hóa tất cả di vật trong bộ sưu tập.

Người giữ bộ sưu tập quý báu này trực tiếp là cụ bà Nguyễn Thị Thềm lúc này đã gần 90 tuổi. Lúc đầu bà không đồng ý để chúng tôi tiếp cận và làm việc theo cách tỉ mỉ và khoa học với từng di vật như vậy. Vì quy định từ xa xưa là không ai được xem những báu vật của các nhà vua khi đã băng hà. Chỉ có dịp lễ nghi quan trọng mới được lấy ra. Thời kỳ này nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghé thăm, có cả quan khách trên tỉnh dẫn đến nhưng đúng vào ngày kiêng kỵ thứ hai hoặc thứ năm hàng tuần thì cũng đành chịu để ra về trong tiếc nuối.

Khi biết ý nghĩa của việc lập hồ sơ để lưu trữ và bảo quản một cách khoa học, tránh hư hỏng và mất mát về sau. Bà Thềm rất vui và cùng phối hợp cung cấp tư liệu về những di vật trong bộ sưu tập. Bà kể về chuyện “Tuần lễ vàng” năm 1945, hôm đó bà mặc đồ đẹp và sang trọng, đại diện cho hoàng tộc Chăm cùng một số người có vai vế trong dòng tộc, có cả đám thanh niên trai tráng trong làng.

Bà kể tuy là người được thừa kế lưu giữ đồ của hoàng tộc không phải của cá nhân bà, do vậy khi có lời kêu gọi của Việt Minh thì những người có vai vế trong dòng tộc là con cháu hậu duệ phải họp bàn để quyết định hiến những vật gì cho Việt Minh. Lâu quá rồi bà không nhớ rõ, nhưng vật hiến chính xác là mũ miện (vương miện) của vua Pô Klong Khul và búi tóc của hoàng hậu người Chăm (bà vợ người Việt không có búi tóc bằng vàng) và một số vật dụng bằng vàng cũng đều của triều vua Pô Klong Khul. Không có ảnh chụp lại nhưng bà Thềm nhớ rất rõ là bộ mũ miện (vương miện) của vua Pô Klong Khul là hình ống và búi tóc của hoàng hậu tương tự như bộ mũ miện của vua Pô Klong Mơh Nai mà bà trực tiếp làm lễ xin tổ tiên hiến cho Việt Minh.

Khi chúng tôi hỏi có giấy tờ hay biên nhận của Việt Minh không thì bà nói họ tiếp nhận và làm đầy đủ giấy tờ. Tuy nhiên, những giấy tờ đó đã thất lạc từ lâu rồi. Sự việc bà Thềm kể là như vậy.

Tuy nhiên, sau này nhiều tài liệu viết khác nhau cả về số lượng, tên gọi, địa danh… Trong bài viết “Về báu vật của hoàng tộc Nguyễn Thị Thềm” tác giả Phạm Khánh Toàn: “Ông Dụng Thiết và bà Nguyễn Thị Thềm được sự nhất trí của gia tộc đã mang một số báu vật, như một mão vàng, một búi tóc vàng, nải chuối vàng, quả mãng cầu vàng, quả khế vàng gộp lại dễ chừng mấy kílô”.

Trên Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance. Tác giả Minh Tâm viết về “Tuần lễ vàng” ở Bình Thuận: “Bà Nguyễn Thị Thềm, dòng dõi vua Chăm, đã hiến chiếc mão của vua và dĩa đựng trầu cau bằng vàng từ bao đời trước để lại”.

Trên Báo điện tử - cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài viết: Từ “Tuần lễ vàng” đến “Quỹ Độc Lập”: Bài học quý về công tác dân vận. Tác giả Tạ Quang Đạo - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, ngày 19/9/2019: “Bà Thềm - Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm…”. Viết đúng là của tỉnh Bình Thuận, tác giả ghi nhầm là Ninh Thuận. Và còn nhiều tư liệu khác cũng có sự nhầm lẫn tương tự như vậy.

Trao đổi với ông Lư Quốc Thiện là con của bà Nguyễn Thị Đào (cháu nội bà Nguyễn Thị Thềm) là người kế tục lưu giữ và bảo quản bộ sưu tập về những nguồn tài liệu trên. Ông Thiện cho biết, cho đến nay các nguồn tài liệu không khớp nhau, dẫn đến suy nghĩ và nhận thức của một số người về ý nghĩa của hiến tặng. Nên đã trao đổi và tham khảo thêm với những người cao tuổi, hiểu biết và nghiên cứu về văn hóa Chăm ở huyện Bắc Bình, như ông Bố Xuân Hổ, ông Đặng Tịnh, ông giáo Đặng Xuân Phong và một số người. Được họ trả lời như sau: Trong “Tuần lễ vàng” này một số hiệu buôn, những nhà thuốc, các chủ điền của người Kinh, Hoa và các dân tộc khác cũng tham gia hiến tặng vật chất cho tổ chức Việt Minh. Tuy nhiên, không nhiều bằng hoàng tộc bà Nguyễn Thị Thềm hiến trong “Tuần lễ vàng” lúc đó là bộ búi tóc hoàng hậu, mão vua, và những hiện vật khác đều bằng vàng”.

Cần đính chính lại cho rõ

Ở Bình Thuận trong sách: Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận. Tập 1 (1930 - 1945), Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, trang 76 viết: “Cùng với đồng bào cả nước, đông đảo người dân tỉnh Bình Thuận nhiệt tình ủng hộ phong trào “Tuần lễ vàng”. Các má, các chị tự nguyện ủng hộ nhẫn, bông tai vàng. Người nghèo không có vàng thì ủng hộ tiền. Bà Nguyễn Thị Thềm hậu duệ dòng tộc Chăm ủng hộ cả cổ vật bằng vàng của vua Chăm trước đây lưu lại. Nhận thấy đây là báu vật của dòng tộc Chăm nên chính quyền không nhận, mà động viên gia đình giữ lại cho đến nay”. Sau đoạn này còn chú thích: “Hiện nay đang được lưu giữ tại thôn Tịnh Mỹ, xã Tam Thanh, huyện Bắc Bình”.

Trong sách Lịch sử lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Bình Thuận, (1945-2000), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, trang 46, viết: “Đặc biệt gia đình bà Nguyễn Thị Thềm ở Tịnh Mỹ dòng dõi vua Chăm đã hiến một chiếc mão dát vàng và một chiếc đĩa trầu cau bằng vàng là báu vật của vua truyền nối bao đời mà bọn Pháp trước rất thèm muốn nhưng không sao chiếm được”. Sau đoạn này còn chú thích: “Báu vật này ta không nhận, mà động viên gia đình nên giữ lại và vẫn còn mãi đến ngày nay”.

Ông Lư Quốc Thiện trao đổi với tôi là bằng cách nào đó để đề nghị các cơ quan có 2 cuốn sách đã xuất bản nêu trên đính chính lại cho chính xác các sự kiện, sự việc trong “Tuần lễ vàng” mà hoàng tộc Chăm đã hiến tặng những di vật của triều vua Pô Klong Khul năm 1945. Chứ không phải “Thấy đây là báu vật của dòng tộc Chăm nên chính quyền không nhận, mà động viên gia đình giữ lại cho đến nay” hay “Báu vật này ta không nhận, mà động viên gia đình nên giữ lại và vẫn còn mãi đến ngày nay” như sách đã viết.

Còn bộ vương miện hiện đang thờ và trưng bày ở làng Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh hiện nay là vương miện của triều vua Pô Klong Mơh Nai. Nếu ghi như trong 2 cuốn sách trên thì người đọc dễ nhầm lẫn cả lịch sử lẫn ý nghĩa của việc hoàng tộc Chăm hiến tặng cho Việt Minh năm 1945 trong “Tuần lễ vàng”.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dinh Thầy Thím thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm nay, di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím được nhiều du khách thập phương lựa chọn là điểm đến để tham quan và dâng lễ trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chúng ta biết gì về đóng góp của hoàng tộc Chăm trong “Tuần lễ vàng”